Người dân chung sức xây dựng NTM
Đứng bên trụ cổng, tường rào vườn phá bỏ dời vào hơn 2 mét để nhường đất thi công mở rộng tuyến đường Y Ngông (bon Bu 2, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), anh Ngô Quang Hân chia sẻ: “Khi có chủ trương mở đường của Nhà nước, người dân rất phấn khởi, trước đây con đường có 13m, khi được chính quyền vận động mở rộng lên 17m, người dân vui vẻ đập bỏ cổng, tường rào sẵn sàng hiến đất. Gia đình đã lùi vào 2m để hiến đất, mọi chi phí di dời cổng, xây mới tường rào mình tự bỏ, không yêu cầu nhà nước đền bù. Gia đình nghĩ đường sá rộng, sạch đẹp là người dân hưởng lợi nên không ngần ngại hiến đất, góp tiền”.
Người dân ở bon Bu 2 (thị trấn Ea T'ling, Cư Jút, Đắk Nông) đập bỏ cổng, tường rào để hiến đất mở đường. Ảnh: Ngọc Hùng
“Khi ngân sách nhà nước eo hẹp, người dân góp sức, hiến đất để làm đẹp làng ngõ xóm là điều nên làm. Mình cứ đòi hỏi đền bù nhưng rồi nhà nước không có tiền cứ để đó, thì người dân lại vất vả, biết khi nào mới có đường đẹp, sạch để đi. Mình chịu thiệt chút nhưng đổi lại làm lợi cho cộng đồng, xã hội”, anh Hân chia sẻ thêm.
Tương tự, tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô), trong những năm qua, chính quyền địa phương cùng người dân ra sức, chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp bộ mặt nông thôn nơi đây đổi thay từng ngày. Những tuyến đường bê tông không ngừng nối dài, để có được thành công trên, nhờ vào cách làm hay, dân vận khéo của chính quyền xã Quảng Phú.
Giao thông phát triển, đời sống người dân trên địa bàn xã Quảng Phú (Krông Nô) từng bước được nâng lên. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo UBND xã Quảng Phú, để có được thành công đó, Ban quản lý xây dựng NTM xã đã phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc xã và các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, vận động qua các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt của ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền về lợi ích của chương trình xây dựng NTM.
Đồng thời, tập trung vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, vận động người dân đóng góp tiền và ngày công. Qua đó, trong năm 2021, xã Quảng Phú đã huy động từ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Đến nay, xã Quảng Phú đạt trên 70% về tiêu chí xây dựng giao thông, đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Dân vận khéo, đồng thuận cao
Nhờ công tác dân vận khéo, những con đường bê tông không ngừng được nối dài. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND Xã Quảng Phú cho hay, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân đã mang lại kết quả tốt trong việc chỉ đạo xây dựng NTM của xã. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, nhiều công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả, đáp ứng như cầu phát triển kinh tế - xã hội.
"Ngày xưa các đường liên thôn trên địa bàn chủ yếu là đường đất, qua quá trình vận động, công tác tuyên truyền cả hệ thống chính trị vào cuộc thì người dân đã ý thức được vai trò trách nhiệm của mình. Mục đích xây dựng NTM nhằm phục vụ cho người dân, giúp đi lại thuận tiện, đảm bảo cho công tác vận chuyển hàng hóa, thì người dân đồng tình.
Tình hình xây dựng NTM được bà con nhân dân hưởng ứng, đồng thuận, nếu có vấn đề vướng mắt trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động, chính quyền nhờ các linh mục vận động bà con giáo dân cùng với nhân dân trên địa bàn chung tay xây dựng NTM”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú chia sẻ.
Người dân hiến đất, tự bỏ tiền ra để dời trụ cổng, tường rào. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea T'ling, việc mở rộng đường sá đã khó, việc huy động người dân hiến đất, đóng góp tiền bạc lại càng khó hơn. Do đó, được sự ủng hộ, đóng góp của người dân là “chìa khóa” để phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Theo ông Hòa, trước đây đường Y Ngông quy hoạch 13m nhưng giờ vận động người dân giải tỏa mở rộng lên 17m để mở rộng mặt đường và làm vỉa hè. Chính quyền chủ yếu là tuyên truyền vận động, chứ không có một bất kì hỗ trợ, đền bù. Qua từng năm, đại phương lại vận động được thêm nhiều người dân hiến đất, đập bỏ vật kiến trúc, mở rộng, nối dài được nhiều con hẻm, tuyến đường. Chính điều này đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, kinh tế của người dân địa phương.
“Trong quá trình làm cũng có hộ này hộ kia, có hộ không đồng ý nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, cùng với công tác dân vận tốt đã tạo ra sự đồng thuận rất lớn trong người dân. Trước tiên, vận động cán bộ Đảng viên làm trước, sau đó anh em, bạn bè thân tình, đối với những hộ có mái vòm thì chính quyền huy động lực lượng dân quân đến để tháo dở, dọn giúp. Còn tiền vật liệu, nhân công sửa lại thì người dân tự bỏ ra.
Khi có chủ trương xây dựng, chính quyền xây dựng kế hoạch xuống họp dân để thông qua chủ trương, đường mở rộng thế nào? Dân đóng góp bao nhiêu? Sau đó, lấy ý kiến cộng đồng, để vận động. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, vận động cán bộ Đảng viên làm trước, các hộ dân làm sau; đối với các hộ khó khăn quá thì anh em đến tận nhà tuyên truyền, theo cách “mưa dầm thấm lâu”", ông Hòa chia sẻ.
Đến nay, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân hiến hàng ngàn m2 đất cùng nhiều tài sản, vật kiến trúc khác, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Theo đó, về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, đã tuyên truyền vận động người dân hiến đất, tài sản trên đất mở rộng, nâng cấp bê tông đường giao thông được 7/3,5km đạt 200% kế hoạch, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 1,8 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ xi măng trị giá 720 triệu đồng.
Từ con đường 13m, chính quyền vận động người dân hiến đất mở rộng đường lên 17m. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo Ban điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đầu tư khá đồng bộ theo quy hoạch; cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; kinh tế nông thôn từng bước phát triển với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày cảng cao,…
Hiện toàn tỉnh có 29/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 48,3%, bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí/xã, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, riêng TP Gia Nghĩa có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông chia sẻ: "Để có được những kết quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đã chỉ đạo triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết kịp thời phù hợp với tình hình, vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt bằng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, tạo đồng thuận trong nhân dân".
“Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bon, buôn, bản nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị, xã hội, các địa phương, các cấp cơ sở sẽ tiếp tục vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chung tay, tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Sinh nhấn mạnh.