Nghệ An: Đường mới mở ra tương lai mới cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sỹ Hòa

Các dự án xây dựng giao thông đang mở ra một tương lai mới cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương (Nghệ An).

Những ngày gian lao vì chưa có... đường

Những ngày đầu tháng 1/2022, PV Báo Giao thông có mặt tại Dự án Đường giao thông từ trung tâm xã Lượng Minh đi bản Chăm Puông xã Lượng Minh (thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An).

Tuyến đường vào bản Chăm Puông, xã Lượng Minh

Theo ghi nhận, tuyến đường này vừa mới thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, mặt đường rất êm thuận nên người và phương tiện lưu thông trên tuyến rất thuận tiện, an toàn; hàng hóa giao thương nhanh chóng.

Là người con quê hương, ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh không thể nào quên những ngày đầu đi mới mở đường: Tuyến đường này trước đây chỉ là 1 lối mòn nhỏ với nhiều dốc cao và khe suối. Những năm 1986 – 1987, UBND huyện huy động các lực lượng cùng nhân dân tiến hành mở rộng đường.

Sau nhiều lần mở rộng, thì xe máy và xe U oát của quân đội mới đi vào ngày nắng được. Còn ngày mưa lũ thì chịu, phải quay lại hoặc vòng lên xã Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) xa đến tận hơn 60km.

Cũng theo ông Phúc: Phía trong tuyến đường này có 4 bản (bản Đửa, bản Minh Tiến, bản Minh Thành và bản Chăm Puông) với khoảng 2.400 nhân khẩu. Thế nhưng, cán bộ xã đi công tác chưa bao giờ dám đi một mình, bởi không an toàn.

“Khi chưa có đường nhựa, vào trong đó công tác, chúng tôi phải bố trí 3 - 4 cán bộ đi 2 xe máy. Thứ nhất, khi qua 5 khe suối có người để khiêng xe qua; thứ 2 nữa là đề phòng gặp trời mưa lầy lội có người đẩy xe và đặc biệt là đề phòng khi trượt ngã xe có người ở bên.

Riêng bản thân tôi đã rất nhiều chuyến công tác ở trong đó và không biết bao nhiêu lần bị ngã do đường lầy lội, trơn trượt; có lần còn suýt bị rớt xuống vực”, ông Phúc kể lại và cho biết thêm: Khổ nhất vẫn là các em học sinh.

“Tôi còn nhớ như in, vào ngày cuối tuần năm 2017, vì đang mưa gió nên nhà trường không cho phép nhưng vẫn có 11 em học sinh ở bản Chăm Puông đang học bán trú tại Trường THCS bỏ về nhà.

“Trời mưa, đường lầy lội, lũ có thể đổ về bất cứ lúc nào nên khi nghe người dân báo tin, tôi liền cùng với mấy cán bộ khác chạy xe máy đuổi theo. Vào đến Khe Mạt thì thấy các em đã cởi quần áo chuẩn bị lội qua khe, trong khi lũ đang về ầm ầm.

Chúng tôi chạy đến ngăn lại nhưng các em vẫn một mực đòi về. Sau khi thống nhất, mấy anh em nắm tay nhau rồi bế từng cháu qua nhưng nước lũ chảy xiết, phải quyết định quay lại. Nếu hôm đó chúng tôi không chạy vào kịp, các em tự ý lội qua khe thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa”, ông Phúc kể.

Bên cạnh huyện đầu tư xây dựng mới, các tuyến đường QL, tỉnh lộ trên địa bàn huyện Tương Dương cũng được Sở GTVT, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm duy tu, bảo dưỡng thường xuyên (Trong hình là tuyến đường tỉnh 543B đoạn qua xã Lượng Minh)

Đường mới mở ra tương lai mới

Nhìn con đường nhựa mới được làm, xe cộ lưu thông thuận lợi, an toàn bất kể ngày nắng hay ngày mưa, bà Vi Thị Kha (70 tuổi) không giấu được niềm vui: Ta cứ hay nói đùa với con cháu là chắc đến khi nào các cháu lớn lên thì mới hi vọng mới có đường nhựa để đi, không ngờ nay đã thành hiện thực. Từ nay, người dân trồng được củ sắn, nuôi được con lợn, con gà cũng dễ dàng buôn bán; rồi các cháu nhỏ sẽ chăm đi học hơn, không bỏ học theo bố mẹ lên nương lên rẫy nữa.

Vui lây cùng bà con dân bản, ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết thêm: Tuyến đường không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân mà còn giúp việc giao thương thuận tiện rất nhiều.

Các bản trong đó bà con trồng cây xoan đâu, sắn cao sản... có đường đi lại thuận tiện việc buôn bán cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Không chỉ địa phương mà bà con đồng bào ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) cũng đi lại, giao thương buôn bán vì rất thuận tiện và rút ngắn khoảng cách với trung tâm. Chưa hết, vào năm 2020, khi đường đang thi công dở thì hệ thống điện lưới cũng được đầu tư vào tận bảo trong cùng Chăm Puông của xã… Có thể nói, đường mới đang mở ra một cuộc sống mới cho bà con đồng bào nơi đây.

Ông La Văn Thái - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương cho biết: Là địa phương ở miền núi, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua, địa phương đã tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống điện - đường - trường - trạm. Từ đó, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Về giao thông, vừa qua UBND huyện đã đầu tư xây dựng mới 2 tuyến đường trọng tâm, gồm: Dự án Đường giao thông từ trung tâm xã Hữu Khuông nối Quốc lộ 16 và Dự án Đường giao thông từ trung tâm xã Lượng Minh đi bản Chăm Puông. Cả 2 dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Trong đó, dự án đường Hữu Khuông đi QL16 dài 8,4km được xây dựng theo têu chuẩn đường ô tô cấp VI miền núi. Hiện đã nghiệm thu kỹ thuật, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Còn dự án đường ở Lượng Minh dài hơn 4,2km được xây dựng theo tiêu chuẩn nông thôn loại A, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

“Cả 2 dự án này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân sở tại cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như Hữu Khuông là xã ốc đảo, lâu nay đi lại chủ yếu bằng đường thủy; thì bản Chăm Puông (Lượng Minh) lại tiếp giáp với huyện Kỳ Sơn, bị chia cắt bởi nhiều khe suối… Đến nay giao thông đi vào các vùng khó khăn này đã thông suốt và thuận tiện.

Việc xây dựng 2 tuyến đường này ngoài hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân, còn thúc đẩy giao thương, buôn bán từ đó đưa kinh tế - xã hội đi lên. Ngoài ra, các tuyến đường này cũng có ý nghĩa rất lớn cho giáo dục và y tế...

Điển hình như hồi tháng 7/2021, dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở bản Chăm Puông. Tuyến đường nói trên đã đóng vai trò quyết định trong quá trình phản ứng nhanh, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân giúp địa phương nhanh chóng kiểm soát và dập dịch an toàn”, ông Thái cho biết thêm.

Trong những năm vừa qua, ngoài sự đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông mới của huyện, các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn huyện Tương Dương cũng được UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT Nghệ An quan tâm duy tu, bảo dưỡng.

Nhờ hạ tầng được đầu tư bài bản nên mặc dù gặp nhiều khó khăn, do tác động bởi dịch Covid-19, song kinh tế - xã hội huyện Tương Dương năm 2021 vẫn khởi sắc, thu ngân sách vượt kế hoạch giao.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 717.373 triệu đồng, đạt 116,9% dự toán tỉnh giao, đạt 116,2% dự toán HĐND huyện giao, bằng 98,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 38.395 triệu đồng, đạt 188,8% dự toán tỉnh giao, đạt 156,7% dự toán HĐND huyện giao, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Sỹ Hòa

Cùng chuyên mục