Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đầu tư hạ tầng giao thông

Sỹ Hòa

Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ (Nghệ An) "thay da đổi thịt" nhờ được đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng giao thông.

Phát huy nội lực, đầu tư có hiệu quả ngoại lực

Một góc thôn Hoàng Trang, xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ

Những ngày giữa tháng 12/2021, PV Báo Giao thông có mặt tại xóm Hoàng Trang, xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Xóm Hoàng Trang có đến 98% dân cư là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp nên bộ mặt nông thôn của xóm thay đổi rõ rệt, đặc biệt là hệ thống đường GTNT. Theo ghi nhận, mọi con đường từ làng trên xóm dưới đã cơ bản được bê tông hóa, xe ô tô có thể ra vào.

Ông Trương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân không giấu được tự hào: Đến nay 100% các trục đường thôn xóm trong xã đã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô có thể đi lại. Để có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của cấp trên là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

"Chỉ tính riêng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, kinh phí thực hiện tiêu chí giao thông hết 31,8 tỷ đồng, thì người dân đã đóng góp được 5,1 tỷ đồng (trong đó nhân dân đã hiến 7.460m2 đất, quy ra tiền là 284,5 triệu đồng). Việc đóng góp sức người, sức của của nhân dân đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã, năm 2018 Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới trước lộ trình đề ra 1 năm", ông Hải cho biết.

Đây cũng là bộ mặt chung nông thôn mới ở các xóm chiếm phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số của các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Giai Xuân… đã đạt được trong những năm vừa qua. Theo tìm hiểu, một trong những kết quả nổi bật mà đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ đạt được đó là chung sức xây dựng xã, thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, huyện Tân Kỳ đã đầu tư tổng số vốn khoảng 150 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, đồng bào các dân tộc trong huyện đã phát huy nội lực, hiến kế hiến công để hoàn thiện các tiêu chí. Chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2018 các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã hiến 204.487 m2 đất, 105.254 ngày công và tự nguyện đóng góp 53, 6 tỷ đồng đồng để làm đường giao thông và các công trình thiết yếu.

Song song với phát huy nội lực từ nhân dân, thời gian vừa qua, huyện Tân Kỳ cũng đã tranh thủ, đầu tư có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách huyện, tỉnh, trung ương và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông từ đó thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Tất Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn ước đạt 150 tỷ đồng. Trong đó có rất nhiều công trình giao thông phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể kể tên như đường ngã 3 Vườn Cam - Nghĩa Phúc, đường Lạt - Làng Rào, đường Đồ Văn, đường bản Môn Sơn đi UBND xã Phú Sơn. Các công trình cầu: Khe Chui, Khe Thần, Khe Thiền, Phú Sơn… Hiện tại, Ban cũng đang khẩn trương hoàn thiện các công trình như: đường Tân Xuân - Tân Phú, đường Lạt - Nghĩa Hợp, đường nối từ Tổng đội thanh niên xung phong 4 đi xã Tân Hợp.…

Bên cạnh huyện đầu tư, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tân Kỳ cũng được UBND tỉnh Nghệ An cho nâng cấp giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc khó khăn. (Trong hình là công trình nâng cấp đường tỉnh 534B)

Thay da đổi thịt nhờ giao thông thuận tiện

Nhìn 1,4km cuối cùng của tuyến đường nối từ Tổng đội thanh niên xung phong 4 đi xã Tân Hợp đang trong giai đoạn hoàn thiện, ông Trương Văn Bảy (ở xã Tân Hợp) không giấu hết niềm vui: Đây là con đường độc đạo nối xã với trung tâm huyện. Trước đây, đường đất, nắng thì bụi bặm mù mịt, mưa thì lầy lội đi lại rất khó khăn.

“Xã Tân Hợp có phần đa là đồng bào dân tộc Thổ, kinh tế chủ yếu là trồng rừng, sắn và mía. Trước đây, đường sá giao thông đi lại khó khăn, cây sắn trồng lên gặp ngày mưa bão, không chuyển ra nhà máy kịp, bị hư hỏng phải đổ đi gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Nay có đường rồi, người nông dân không phải lo lắng khi thu hoạch nông sản ngày mưa nữa. Kinh tế chắc chắn cũng sẽ khởi sắc hơn rất nhiều”, ông Bảy nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Khuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: Giao thông được đầu tư bài bản, giúp cho bộ mặt thôn bản “thay da đổi thịt”. Song song với đó, giao thương buôn bán trong vùng cũng thuận lợi hơn, kéo theo cuộc sống của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 25% nhưng đến năm 2020 đã giảm xuống còn 7,1%.

Trước tiềm năng du lịch ở thác Hồng Sơn (xã Tân Hợp), UBND huyện Tân Kỳ đã cho đầu tư tuyến đường nối từ đường tỉnh 534D vào chân thác để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.

Ông Trương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cũng cho biết thêm: Giao thông thuận tiện ngoài tạo động lực cho phát triển kinh tế thì việc giao lưu, trao đổi văn hóa - xã hội cũng dễ dàng hơn. Từ đó, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tiếp cận được nhiều dịch vụ y tế hiện đại…

Ông Đinh Xuân Lãm - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Kỳ cho biết: Tân Kỳ là huyện miền núi có tổng diện tích tự nhiên là 72.890ha, gồm 3 dân tộc: Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống. Toàn huyện có có 36.073 hộ, 140.010 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 7.364 hộ, 32.288 khẩu, chiếm 21,7%.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và sự nỗ sự của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Tân Kỳ đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; tập trung thu hút các dự án phát triển kinh tế… Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 24,81% (cuối năm 2011), xuống còn 3,47% (cuối năm 2019). Đời sống văn hóa - xã hội - y tế được chăm lo, anh ninh - chính trị được giữ vững.

Sỹ Hòa

Cùng chuyên mục