Giáo dân Nghệ An đổi đời sau khi nhường đất, dỡ nhà mở đường cao tốc

Văn Thanh - Sỹ Hòa

Một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn đang hiện hữu ở khu tái định cư cao tốc của người dân xóm đạo ở xã Hưng Yên Nam (Nghệ An).

Khang trang, hiện đại hơn

“Ở đây thì quá sướng, mát mẻ, sạch sẽ, có gì phải bàn nữa”, chị Nguyễn Thị Bình (SN 1978, ở xóm 4, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vui vẻ giới thiệu khi được hỏi về cuộc sống mới ở nơi tái định cư dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Chị Nguyễn Thị Bình kể lại cuộc sống hiện tại cho PV trong ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây dựng

Chị Bình kể, ngày xưa gia đình chị ở ngay dưới chân Rú Rậm. Nhà có 600m2 đất ở và 700m2 đất vườn nhưng vì đất dốc nên từ việc sinh sống đến làm vườn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, là khu vực đất thấp hơn, hễ mưa là ngập, trồng cây gì cũng chết. Đó là chưa kể nỗi lo sạt lở đất lúc mưa lớn kéo dài.

Chưa hết, con ngõ vào nhà chị cũng chỉ rộng khoảng 3m, chỉ đủ một xe ô tô con đi vào. Mỗi lần gia đình, hàng xóm hay giáo họ có lễ, rất bất tiện vì mọi người về đông.

Khi Dự án đường cao tốc Bắc - Nam được triển khai, gia đình chị thuộc diện phải di dời đến nơi tái định cư để nhường đất cho Nhà nước làm đường. Khu tái định cư mới được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, sát ngay khu dân cư cũ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng từ đường sá, điện, nước sạch đều được đầu tư bài bản, khang trang. Tại nơi ở mới, gia đình chị Bình được bố trí 600m2 đất ở (bằng nơi ở cũ) ngay mặt tiền 2 tuyến đường rộng khoảng 6m.

“Ngày xưa mang tiếng ở trong rú (trong núi), nhưng giờ thì sướng rồi. Cơ sở hạ tầng, đường, điện nước thì khang trang, hiện đại, không gian thoáng đãng, mát mẻ. Nói chung là quá sướng”, chị Bình phấn khởi nói.

Đây cũng là tâm trạng chung khi được hỏi về cuộc sống ở khu tái định cư mới của những hộ dân ở xóm 3, xóm 4 (thuộc giáo họ Tân Định, giáo xứ Trang Nứa), xã Hưng Yên Nam.

“Tuy phải mất một thời gian xây dựng nhưng bù lại khu dân cư mới được đầu tư bài bản, khang trang. Nhà cũ ở cách khu tái định cư mới khoảng hơn 100m nhưng nhà ở trong lối giữa, đường chỉ rộng khoảng 3,5m, hễ mưa lớn là ngập. Còn nơi ở mới thì đường rộng tới 6m, khô ráo, thoáng mát hơn nhiều. Bằng chứng là đợt mưa lũ lớn cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa rồi cũng không ảnh hưởng gì”, ông Phạm Hồng Thức (SN 1970, ở xóm 3, xã Hưng Yên Nam) nói và cho biết thêm:

Nơi ở cũ, gia đình anh có 555m2, khi ra khu tái định cư cũng được nhà nước bố trí cho từng đó đất. Ngoài số tiền đền bù 1,8 tỷ đồng đủ để xây dựng nhà mới, vì đông con (2 gái, 3 trai), gia đình ông còn được ưu đãi mua thêm 1 mảnh đất rộng 300m2 nữa.

Ngôi nhà mới xây của ông Thức đang được nhóm thợ hoàn thiện.

Đồng hành cùng Nhà nước để cao tốc sớm hoàn thành

Phải nói lại rằng, đây không phải là lần đầu chúng tôi về xóm đạo Tân Định của xã Hưng Yên Nam. Trong suốt quá trình đền bù, GPMB và tái định cư Dự án cao tốc Bắc - Nam cho bà con Công giáo nơi đây, chúng tôi được trực tiếp gặp gỡ, được nghe các ngành chức năng đánh giá “tưởng khó mà lại dễ”. Nếu so với một số khu vực khác của huyện Hưng Nguyên thì ở đây được đánh giá là nơi GPMB nhanh nhất.

Theo ông Phan Anh Nam - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) cho biết: Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền địa phương cho đến Ban chỉ huy các xóm. Đồng thời đó là sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các linh mục, hội đồng giám mục; sự đồng hành, chia sẻ của bà con giáo dân trong địa bàn.

Khu tái định cư cao tốc của bà con giáo dân Hưng Nguyên với những ngôi nhà tầng mới xây đẹp như thành phố.

Những chia sẻ của người đứng đầu địa phương cũng được chính chúng tôi chứng thực vào hồi đầu tháng 6/2022. Lúc bấy giờ cả 2 khu tái định cư mới chỉ bàn giao đất cho người dân xây dựng được chừng 2 tháng. Hệ thống hạ tầng cơ sở tại khu tái định cư mới còn chưa hoàn thiện, chưa có điện, chưa có nước. Vậy nhưng, nhiều hộ dân, điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Trọng Đính, Phạm Mạnh Cầm, chị Nguyễn Thị Bình… sẵn sàng dọn dẹp đồ đạc, ra ngoài dựng lán, chấp nhận sống tạm bợ để nhường đất, nhường nhà cho chủ đầu tư, nhà thầu làm dự án.

Chị Nguyễn Thị Hồng (ở xóm 4) còn nhớ: Vào khoảng tháng 6/2022, khu tái định cư còn chưa có nước sạch nhưng gia đình cũng quyết định chuyển ra ở. Sau đó, gia đình tự bỏ mấy chục triệu khoan 1 giếng nước máy trên núi cao rồi kéo nước về dùng cho sạch.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bình cho biết thêm: Mặc dù lúc về ở (tháng 6/2022), khu tái định cư chưa có nước sạch nhưng nhà nước đã chăm lo cho mình, mình cũng tạo điều kiện để nhà nước sớm làm đường. Đường cao tốc hoàn thành thì không chỉ riêng mình mà toàn xã hội cùng hưởng lợi. Vậy nên gia đình cũng đã tự bỏ 18 triệu đồng ra khoan nước máy. Còn nước sạch, sau đó cũng đã được kéo về...

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Ban Hội đồng Mục Vụ giáo xứ Trang Nứa (xã Hưng Yên Nam) nói: Lúc đầu người dân cũng băn khoăn về mức giá đền bù trong GPMB đường cao tốc. Thế nhưng sau khi được cán bộ hội đồng GPMB giải thích các quy định và các định mức đền bù của Nhà nước bà con đều đồng thuận. Tại các buổi lễ, Cha xứ cũng thường xuyên động viên bà con chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để dự án cao tốc sớm được triển khai, hoàn thành.

Văn Thanh - Sỹ Hòa

Cùng chuyên mục