Bình Thuận: Có cầu, người dân qua sông không còn sợ "hà bá"

Vĩnh Phú

Từ khi huyện Tánh Linh (Bình Thuận) xây dựng các cây cầu, mở mới các tuyến đường giao thông, đời sống của đồng bào cũng khá lên.

La Ngâu là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tánh Linh và là nơi sinh sống của người dân tộc bản địa Cơ Ho, Tày... Nhờ xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn (GTNT) phủ đến từng xóm ấp, thay đổi diện mạo địa phương vùng sâu này.

Cầu La Ngâu trên QL55 phá thế cô lập cho đồng bào miền núi huyện Tánh Linh (Bình Thuận).

Cuộc sống đổi thay nhờ có cầu

Cây cầu bê tông kiên cố thay thế cho những chuyến phà nối đôi bờ sông La Ngà đã chấm dứt cảnh luỵ phà của người dân đôi bờ. Chỉ mới một năm mà đời sống đổi thay hẳn.

Chỉ tay về phía cầu La Ngà, anh Lê Văn Hào người dân bản 2 (xã La Ngâu) cho biết, trước khi có cầu người dân đi lại rất vất vả, đặc biệt khi vận chuyển nông sản phải qua phà, vừa nguy hiểm vừa tốn kém.

Tại đầu cầu, ô tô, xe máy hối hả chở nông sản, hàng hoá tấp nập qua lại, tỏa đi nhiều nơi trong những ngày thu hoạch vụ mùa cuối năm. Các con đường thôn, ấp đều đã được thảm bê tông xi măng, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Những công trình công cộng như trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế đã được sửa chữa, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã La Ngâu.

“Vào mùa mưa, lũ từ trên núi từ thượng nguồn đổ xuống, chảy xiết rất nguy hiểm. Từ khi có cầu, người dân từ trung tâm xã đi làm rẫy và vận chuyển nông sản an toàn hơn rất nhiều”, anh Hào nói.

Cầu trên QL55 qua xã La Ngâu.

Một cây cầu khác góp phần phá thế biệt lập của người dân trong xã là cầu La Ngâu, trên QL55 thuộc dự án mở rộng QL55 đi Lâm Đồng do Bộ GTVT đầu tư xây dựng. Cầu được thông xe cũng là niềm vui mừng của người dân nhiều năm qua.

Bà Tám, chủ quán nước giải khát gần cầu La Ngâu cho biết, trước đây giao thông trong xã đi lại rất vất vả, cách trở bởi sông, suối. Từ khi có cầu La Ngâu và mới đây là cầu La Ngà được thông xe, người dân đi lại thuận lợi.

“Đường sá được mở rộng, xây cầu mới, tôi mở quán nước và bán tạp hóa cũng có đồng ra đồng vào, cuộc sống khá hơn trước”, bà Tám cho hay.

Đẩy mạnh xây dựng GTNT miền núi

Anh Lương Văn Đường, người dân tộc Tày - cán bộ tư pháp xã cho biết: Trước đây người dân phải qua đò rất vất vả, nguy hiểm nhất khi thủy điện xả lũ. Từ khi cầu bê tông cốt thép làm xong, xe công nông còn qua được nên việc vận chuyển nông sản rất thuận lợi.

Trao đổi với PV, ông Đặng Công Khanh, Chủ tịch UBND xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) cho biết, trước đây hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) thôn, bản rất nhiều khó khăn, đi lại bất tiện.

Từ khi triển khai chương trình 135, trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều công trình giao thông, thủy lợi được thực hiện. Hàng hoá thông thương, đời sống người dân từng bước được nâng cao so với trước.

Cầu La Ngâu qua bản 2 thông xe, chấm dứt cảnh bà con đồng bào phải lụy đò, phà.

Toàn xã La Ngâu có 700 hộ dân, 2.800 nhân khẩu, 4 thôn, trong đó đồng bào Cơ Ho chiếm khoảng 70%. Người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và các nông sản từ rừng, như hái nấm, măng rừng... Việc đi lại rất nguy hiểm do phải qua sông.

Nguy hiểm hơn xã La Ngâu nằm sát thủy điện Đa Mi nên vào mùa mưa thuỷ điện thường xuyên phải xả lũ, nước chảy siết. Trước đó, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có người chết đuối.

“Sau khi thông xe, thông cầu, việc đi lại của bà con thuận lợi và cũng không còn xảy ra tai nạn chết đuối hằng năm nữa. Thời gian tới xã tiếp tục đề xuất huyện đầu tư thêm các tuyến đường liên thôn, liên xã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Khanh nói.

Cầu qua bản 2 (người dân gọi là cầu La Ngâu 2) có chiều dài 107m, 4 nhịp bê tông kiên cố. Tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Cầu được xây dựng từ năm 2016 nhưng có thời gian bị gián đoạn vài năm do nước lũ cuốn trôi một trụ cầu khi đang thi công.

Sau đó công trình này phải thiết kế lại, đồng thời phải chờ bố trí thêm vốn nên thời gian thi công bị kéo dài, chính thức thông xe vào cuối năm 2021.

Vĩnh Phú

Cùng chuyên mục