Hạ tầng giao thông phát triển, đời sống đồng bào nâng cao
Là huyện nông thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong những năm qua, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) luôn quan tâm chăm lo cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc, xây dựng hạ tầng giao thông nối liền các khóm, ấp, giúp bà con đi lại thuận lợi, giao thương thông suốt.
Đặc biệt là sự đoàn kết của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Hạ tầng giao thông phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), tính đến cuối năm 2021, hộ đồng bào dân tộc đạt chuẩn gia đình văn hóa trên địa bàn huyện này chiếm hơn 93%.
Đặc biệt có 100% ấp, khu dân cư có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều đạt chuẩn ấp văn hóa, có 19 ấp được công nhận ấp văn hóa NTM.
Theo ông Trần Văn Son, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đồng bào dân tộc Khmer ở xã tích cực phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn đi qua địa bàn các ấp: Tân Lập, Bưng Thum, Nước Mặn 1, Nước Mặn 2, Bưng Long, Tân Lịch… tương đối hoàn chỉnh.
Ông Danh Đa phấn khởi chia sẻ: “Trong những năm qua, các cấp các ngành đã luôn quan tâm tạo điều kiện để bà con đồng bào dân tộc vươn lên, xây dựng hạ tầng đường sá, trường học, nhà văn hóa ấp… giúp thay đổi diện mạo phum, sóc.
Khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, bà con rất phấn khởi hiến đất làm đường, hiến ngày công lao động… Có lộ bê tông chắc chắn, các cháu học sinh đi học được dễ dàng, người dân trồng màu buôn bán cũng có giá hơn bởi thương lái đến tận rẫy thu mua, khi có ”.
Cũng theo anh Đa, bà con đồng bào thường xuyên được cán bộ xã quan tâm, thăm hỏi, vận động chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy bảo con cháu ngoan hiền, lễ phép. Đồng thời, xây dựng các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bao lực gia đình.
Ông Trần Văn Son chia sẻ thêm, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm vận động bà con đồng bào tham gia xây dựng NTM như: đóng góp ngày công xây dựng các công trình nông thôn, trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, khó khăn…
Tiếp tục quan tâm chăm lo cho hộ nghèo, khó khăn
Theo ông Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Phú, thời gian qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu dân cư văn hóa ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Long Phú từng bước nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, những tập quán lạc hậu như: tảo hôn, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan môi trường sạch, đẹp, một số tuyến đường giao thông có đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, góp phần bảo đảm trật tự ATGT.
Theo Ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng, qua 2 năm (năm 2021-2022) triển khai thực hiện Ban Chỉ đạo đã xây dựng được 3.496 căn nhà cho hộ nghèo.
Với tổng kinh phí huy động xã hội hóa trên 174 tỷ đồng, đạt 107,9% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, Ban Chỉ đạo tỉnh phân bổ 2.825 căn nhà, còn lại là Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vận động xây dựng 671 căn nhà.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - Lâm Văn Mẫn, Trưởng Ban chỉ đạo cũng mong muốn các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tập đoàn kinh tế, công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục chung tay, đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.