Những lá đơn tự nguyện hiến đất
Ngày 29/9, phóng viên Báo Giao thông vượt qua quãng đường 27 km từ thị trấn Mậu A, ven theo tuyến Tỉnh lộ 175, sau gần 1,5 giờ đồng hồ mới tới được Trung tâm xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - đây là xã 135 của huyện.
Những con đường đẹp sau nhiều đóng góp bờ xôi ruộng mật của nhân dân thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo chân Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng - Đặng Tòn Dất tới nhà ông Phùng Vinh Minh - đồng bào dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm xã Mỏ Vàng. Từ nhiều năm qua, ông Minh đã nêu cao tinh thần gương mẫu của một đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tự nguyện viết đơn hiến trên 3.000 mét vuông (m2) đất đồi rừng, hàng ngàn cây quế từ 5 - 10 năm tuổi để mở đường vào khu rừng sản xuất quế.
Đến nay, nhờ sự đóng góp của 70 hộ đồng bào Dao trong thôn đã hình thành nên con đường dài 1.500 mét, rộng 3 mét. Giờ đây xe máy, công nông, ô tô nhỏ đã vào được đến tận chân những rừng quế để khai thác và vận chuyển lâm sản, cũng nhờ vậy mà giá trị của cây quế ở địa phương đã được nâng lên đáng kể.
Không chỉ hiến đất mở đường sản xuất, ông Minh còn hiến trên 500 m2 đất thổ cư, 5 sào ruộng nước để san tạo mặt bằng con đường tỉnh lộ 175 qua địa bàn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng - Đặng Tòn Dất trao đổi với gia đình ông Phùng Vinh Minh về câu chuyện tự nguyện viết đơn hiến trên 3.000 m2 đất đồi rừng.
Ông Phùng Vinh Minh – thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng cho hay: “Đây là con đường dài hơn 1.500 mét vào khu rừng trồng quế với trên 100 ha của 70 hộ gia đình ở khu vực Tùng Lụ, thôn Trung Tâm xã Mỏ Vàng.
Con đường này trước đây chỉ là đường mòn men theo khe nước nhỏ, việc đi lại sản xuất cùng như khai thác, vận chuyển quế của bà con rất khó khăn.
Thấy được những bất lợi của việc không có đường đi lại để trồng, khai thác quế, tôi đã mạnh dạn đề xuất ý kiến với chi ủy chi bộ thôn và trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động mọi người cùng đóng góp sức người, sức của, hiến đất mở đường sản xuất.
Bây giờ đường đã được mở rộng, bê tông hóa, cây quế đã khai thác dễ dàng và giá quế cũng được nâng lên”.
Ngoài ông Vinh hiến đất làm đường còn nhiều hộ dân trong xã Mỏ Vàng đã cùng chung tay viết đơn hiến đất như hộ gia đình ông Ly Seo Ban, thôn Trung Tâm viết đơn hiến gần 1.860 m2; gia đình chị Hoàng Thị Sáo, thôn Trung tâm viết đơn hiến 1.200 m2 đất...
Những lá đơn viết tay hiến đất làm đường của bà con nhân dân xã Mỏ Vàng.
Cuốn theo câu chuyện của ông Phùng Vinh Minh người viết đơn hiến hàng nghìn m2 đất và ông Đặng Tòn Dất, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tôi hiểu được việc nhân dân trong xã, nhất là đồng bào Dao tự nguyện dịch rào hiến đất đã thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, xã hội, hy sinh lợi ích cá nhân
Trước mắt, tất cả cùng hướng đến lợi ích chung, to lớn và có ý nghĩa lâu dài, tạo đà cho tương lai, cho cuộc sống của con em mình, đồng thời tạo ra những con đường bê tông phong quang, sạch đẹp ở một xã còn nhiều khó khăn.
Việc nhân dân viết đơn tự nguyện hiến đất, dịch rào và khai thác cây cối để thi công tuyến đường gồm có 37 hộ với 79 thửa đất. Tổng diện tích đất nhân dân hiến là 4,8 ha tương đương 1,8 tỷ đồng; cây cối nhân dân tự nguyện khai thác giải phóng mặt bằng trên 11.000 cây tương đương 2 tỷ đồng, ông Sơn - Bí thư Đảng bộ xã Mỏ Vàng chia sẻ.
Không đòi hỏi bồi thường
Rời xã Mỏ Vàng, phóng viên Báo Giao thông tới bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ, là một thôn còn khó khăn của xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, với 100% dân số là người dân tộc Dao, cuộc sống bà con chỉ trông vào thửa ruộng, đồi quế.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với một địa phương có xuất phát điểm thấp thì giao thông luôn là một tiêu chí khó.
Tuy vậy, đồng bào các dân tộc của thôn, trong đó có đồng bào dân tộc Dao phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu đã tiên phong hiến đất, phá bỏ vật kiến trúc, cây cối hoa màu, cây trồng có giá trị để làm đường và mở rộng đường.
Nhân dân bản Khe Tối, thôn Khe lầu xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên hiến đất làm đường giao thông. (Ảnh Thu Nhài)
Từ năm 2020 đến nay, người dân trong bản đã đóng góp giải phóng mặt bằng đổ bê tông gần 2 km đường GTNT vào bản.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, nhân dân trong bản đã đóng góp 436 triệu 800 ngàn đồng tiền mặt, hiến 1.250 m2 đất, 1.170 cây quế từ 2 - 15 năm tuổi để mở rộng và mở mới đường giao thông, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Anh Đặng Long Minh (ở bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ) cho hay: “Để có con đường phong quang, sạch đẹp đi lại, gia đình tôi đã hiến đất ở, đất đồi, cây quế giải phóng mặt bằng làm đường giao thông.
Có đường thì con em đi học dễ dàng, quế bán được nhiều tiền hơn, đi lại được thuận tiện, kinh tế, đời sống đều phát triển, đặc biệt bà con trong xã đều hiến đất không đòi hỏi bồi thường”.
Hiến trên 300.000 m2 đất
Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, nhân dân toàn xã, nhất là đồng bào dân tộc Dao đã hiến gần 5.000 m2 đất thổ cư, đất ruộng , đất rừng sản xuất, 1.730 cây quế và vật kiến trúc, đóng góp gần 8 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng đường giao thông. Điều này đã góp phần cùng các nguồn khác để xã xây dựng và đưa vào sử dụng 8/11 km đường giao thông.
Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên tập trung làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh Thu Nhài)
Huyện Văn Yên có 40% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở hầu khắp các xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc Dao định cư chủ yếu ở 8 xã vùng trọng điểm quế của huyện.
Đặc biệt, huyện Văn Yên đã triển khai sâu rộng phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân”, phong trào “Dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông” gắn với phong trào "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống".
Năm 2021, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã hiến trên 300 nghìn m2 đất đai, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn.
Lãnh đạo huyện Văn Yên, Yên Bái tham gia dịch rào hiến đất cùng dân để làm đường giao thông nông thôn.
Bà Vũ Minh Huê (Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết : “Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã hiến tổng diện tích đất là 110.071 m2, phá bỏ 8.287m2 tường rào và 33.806 cây trồng các loại để làm đường giao thông nông thôn, mở rộng 44,88km đường giao thông ngõ, xóm từ 3,5m lên 7m, thực hiện vệ sinh phát dọn 855,4 lượt km đường giao thông nông thôn.
Từ các phong trào, những con đường khang trang, sạch đẹp, thể hiện "Ý Đảng - Lòng dân” ngày càng được nối dài, mở rộng hơn từ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc địa phương, tạo đà cho phát triển kinh tế.
Từ đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Văn Yên được nâng lên, tiến từng bước vững chắc sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 theo đúng lộ trình đề ra”.
>>> Một số hình ảnh do phóng viên Báo Giao thông ghi nhận
Người dân An Thịnh, huyện Văn Yên sẵn sàng nhường đất sản xuất để mở đường.
15 hộ dân ở xã An Thịnh đã tự nguyện hiến 2.250 mét vuông đất vườn ươm, ao cá, vườn tạo và nhiều cây cối, hoa màu với tổng trị giá trên 800 triệu đồng.
Lãnh đạo xã An Thịnh, cùng nhân dân làm đường GTNT.
Nhiều diện tích quế phải chặt hạ để làm đường giao thông nông thôn của bà con xã Mỏ Vàng.
Nhiều hộ dân chặt quế để làm đường.
Đồng bào Dao, thôn Trung tâm xã Mỏ Vàng đã hiến nhiều diện tích hoa màu để hình thành nên con đường dài 1.500 mét, rộng 3 mét.