Nâng cấp sân bay Điện Biên, tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên dự kiến sẽ khởi công ngay đầu năm 2022, hoàn thành, đưa vào khai thác sau 30 tháng.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, ngày 27/3/2021, Thủ tướng có Quyết định số 470 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Theo đó, ACV sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Cảng hàng không Điện Biên hiện chỉ đón được tàu bay nhỏ ATR 72 và tương đương

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Theo quyết định của Thủ tướng, 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương, ACV phải hoàn thành việc đầu tư dự án.

“Ngay khi có chủ trương, ACV triển khai các bước tiếp theo để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện, đã hoàn tất công tác khảo sát, lập báo cáo khả thi dự án và trình các cơ quan chuyên môn thẩm định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”, ông Bình nói.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mới đây nhất, ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đại diện ACV cho biết, doanh nghiệp này đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng, hoàn tất các thủ tục để có thể sớm khởi công dự án ngay đầu năm 2022.

Tạo sức bật cho kinh tế miền núi Điện Biên, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo

Điện Biên là cảng hàng không nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm: Một đường cất/hạ cánh kích thước 1.830x30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị hạ cánh giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.

Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên là dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh Điện Biên. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm khoảng 2% so với phương án hoàn thành sân bay sau năm 2025 .

Đáng chú ý, theo ông Đô, những năm gần đây, Điện Biên đã được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn (VinGroup, FLC, TH true milk, Flamingo, Tập đoàn Hải Phát, Tập Đoàn Đèo cả, Các nhà đầu tư phát triển Mắc Ca ...) quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị... Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên Phủ.

“Vì vậy, có thể khẳng định việc nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên sẽ có những tác động quan trọng trong việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng thêm tối thiểu khoảng 15 nghìn tỷ đồng, từ đó góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động”, ông Đô thông tin.

Thông tin thêm, ông Đô cho hay: "Điện Biên có vai trò vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và quốc tế với địa danh mang tầm vóc toàn cầu “Chiến thắng Điện Biên Phủ”; có tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử khu vực Trung du miền núi và được xác định là một trong các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của Vùng trung du miền núi Bắc bộ".

Điện Biên nằm trên tuyến du lịch quốc gia: Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội, qua đó có thể đi du lịch kết hợp bằng các phương tiện đường không, đường bộ, với lợi thế lớn khi dự án tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, tuyến Cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên được triển khai xây dựng hoàn thành.

Theo thống kê năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19) có khoảng 845 ngàn lượt du khách đến Điện Điên, thời gian lưu trú khoảng 2,4 ngày, trong đó có khoảng 25,3 ngàn lượt hành khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3%; phần lớn đi bằng đường bộ chiếm 97%.

Nếu lấy Hà Nội làm trung tâm, thời gian di chuyển từ Hà Nội - Điện Biên cần khoảng 10-12 giờ; phần lớn khách du lịch có quỹ thời gian hạn chế (2-3 ngày) sẽ không lựa chọn Điện Biên làm điểm đến.

Việc đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên sẽ khắc phục được những bất lợi, tăng tính liên kết, giao thương, quảng bá hình ảnh của tỉnh, thu hút được các nhà đầu tư, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ góp phần thực hiện các mục tiêu kỳ vọng đến năm 2030 thu hút trên 1,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 0,3 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 3.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, trong đó có trên 10.000 lao động trực tiếp, hiệu ứng thu nhập và việc làm được tạo ra trong giai đoạn đến năm 2025 sẽ giúp có thêm ít nhất 2% số hộ dân (2.680 hộ) ở Điện Biên có cơ hội thoát nghèo.

Cuối cùng, việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên sẽ tác động đến liên kết - phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế.

Với vị trí địa lý tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Phong Xa Ly và Luông Phra Băng (Lào), Điện Biên nằm trong mối liên kết quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và Asean; là khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại xuất nhập khẩu, chế biến nông sản và thương mại biên giới, thông qua các hệ thống kết nối: Điện Biên - Tuyến đường R3 nổi Côn Minh - Băng Cốc đi qua Luông Nậm Thà và Bò Kẹo; Điện Biên - U Đốm Xay - Luông Phra Băng kết nối với tuyến đường đường sắt cao tốc xuyên Á từ Côn Minh đi Singapore; ngoài ra còn có kết nối tuyến đường thủy Sông Mê Kông trong tiểu vùng (06 nước) hiện nay đã có 14 cảng quốc tế giữa Lào - Trung Quốc - Mianma - Thái Lan.

Khi CHK Điện Biên Phủ được nâng cấp, ngoài việc nâng cấp khả năng phát triển liên kết quốc tế tiểu vùng bằng đường bộ thông qua các dự án đường bộ, đường sắt đã và đang triển khai sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luông Phra Băng của Lào, Côn Minh (Trung Quốc), Chiềng Mai (Thái Lan), để phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành Trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước Asian đã thống nhất.

Cùng chuyên mục