Bao giờ 1.000 người Ca Dong bị "mắc kẹt" xóa được cách trở giao thông?

Tạ Vĩnh Yên

Việc chia tách địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum vướng mắc 14 năm khiến một ngôi làng khoảng 1.000 người Ca Dong bị "mắc kẹt"...

Do việc hợp nhất địa giới hành chính chưa phù hợp nên hơn 1.000 người dân tại thôn 3, xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) sinh sống trên địa giới xã Đăk Nên (Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sống trong cảnh chật vật bởi không được đầu tư hạ tầng giao thông, điện....

Đường vào thôn 3, xã Trà Vinh.

Sống khổ trên đồi vì chồng lấn địa giới hành chính

"Làm gì cũng phải tôn trọng ý kiến người dân. Mong rằng lãnh đạo hai tỉnh có phương án đề xuất với Trung ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi".

Ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng uỷ xã Trà Vinh, Nam Trà My, Quảng Nam

Từ trung tâm xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) ngược lên núi về phía Đông khoảng 20km, ngôi làng thôn 3 này được xác định thuộc xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nhưng địa giới hành chính lại là tỉnh Kon Tum.

Phải mất hơn 2 giờ vượt đường rừng, chiếc xe mô tô của chúng tôi mới tới được ngôi làng nằm chênh vênh trên sườn đồi. Đường sá, công trình hạ tầng ở đây gần như chẳng có gì.

Ông Nguyễn Thanh Chim, Trưởng thôn 3, xã Trà Vinh cho biết, làng có 238 hộ, hơn 1.034 nhân khẩu, gần như 100%... hộ nghèo.

Dù là công dân của tỉnh Quảng Nam nhưng địa giới hành chính, đất canh tác từ muôn đời này lại được phân định địa giới của tỉnh Kon Tum.

Theo đó, tổng diện tích khu vực chồng lấn giữa hai tỉnh gần 6.200 ha, với chiều dài toàn tuyến trên 10 km kéo theo hơn 1.000 người dân vẫn chưa biết nên nhập vào tỉnh nào.

Anh Hồ Văn Thông, người dân thôn 3 cho biết, cả ngôi làng này ở vùng chồng lấn địa giới nên hầu như cơ sở hạ tầng đều không được đầu tư.

"Không điện, đường, trường, trạm, chợ và chưa được phủ sóng điện thoại là cảnh sống nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Dân làng từng gom góp tiền để mua một cái máy tuốc bin phát điện đặt ở con suối trước ngôi làng.

"Điện từ tuốc bin nhỏ nên mọi người dùng tằn tiện lắm. Bật tivi thì phải tắt đèn mới dùng được”, anh Thông nói.

Cách căn nhà của vợ chồng anh Thông chừng vài bước chân là nhà anh Nguyễn Xuân Điều (30 tuổi). Anh Điều thở dài, điều kiện đi lại khó khăn người dân trong thôn tự mở đường, làm cầu treo tạm rồi đi bộ ra xã. Đến năm 2008 mới có một vài hộ tích góp mua được xe máy.

“Đường và cầu treo do người dân tự xây dựng nên việc đi lại khó khăn, xe cộ hư hỏng hết. Mùa nắng không nói, nhưng mưa bão đường trơn trượt lên được đỉnh đồi là cả một vấn đề”, anh Điều nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Chim, trưởng thôn 3, thôn mắc kẹt giữa địa giới hành chính 2 tỉnh nên việc đầu tư hạ tầng chưa được thông qua. Vì thế đời sống kinh tế người dân chủ yếu là biệt lập, tự cung tự cấp. Mùa gì ăn cái đó.

Đường sá khó đi nên chỉ khi thực sự có việc người dân mới ra ngoài. Khổ nhất là mỗi khi trong làng có người đau ốm đi bệnh viện, đi lại rất khổ sở.

Một góc của ngôi làng người Ca Dong thôn 3, xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) trên địa giới hành chính tỉnh Kon Tum

Mong sớm có cầu đường phát triển kinh tế

"Giờ mồ mả tổ tiên và bà con họ hàng đều ở xã Trà Vinh nên bà con không muốn nhập vào tỉnh Kon Tum", bà Hồ Thị Phiên (53 tuổi, người dân thôn 3, Trà Vinh) chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Bộ Nội vụ đã có 4 văn bản hướng dẫn UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh tại thôn 3 xã Trà Vinh với xã Đăk Nên.

Trong đó có nội dung yêu cầu thống nhất đánh giá bốn tính chất, gồm: Tính đầy đủ, tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý của hồ sơ, bản đồ địa giới đã lập theo Chỉ thị số 364.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, đã 14 năm, hai tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết, khiến hàng trăm hộ dân khu vực này gần như "mắc kẹt giữa những khó khăn".

Do một bên quản lý người dân và một bên quản lý đất đai, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Thanh Chim cho hay, bao đời nay người dân thôn mong muốn chính quyền hai tỉnh sớm giải quyết, đầu tư điện, đường, trường, trạm cho người dân thuận lợi sản xuất phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Người dân thôn 3, xã Trà Vinh sống trong cảnh không được đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế

Liên quan đến việc xử lý chồng lấn địa giới hành chính trên, ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết, hiện đất sản xuất của thôn 3 khoảng 3.000 ha. Trong khi đó người dân xã Đăk Nên cũng đang canh tác lẫn lộn cùng với người dân thôn 3 (xã Trà Vinh) trên diện tích chồng lấn này.

Theo ông Minh, vừa qua hai tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn phương án xử lý. Tại đây, tỉnh Quảng Nam đề xuất chuyển diện tích đất ở và đất canh tác của người dân thôn 3 về tỉnh này quản lý.

Tỉnh Kon Tum có đề xuất tạo điều kiện chuyển 238 hộ dân này về Kon Tum. Hoặc hoán đổi diện tích đất tương đương nếu tỉnh Kon Tum giao phần đất chồng lấn. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam chưa thống nhất phương án này.

“Xã vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu là giữ nguyên địa giới hành chính vì diện tích đất canh tác, đất rừng là lợi ích của người dân trong xã.

Sở Nội vụ của hai tỉnh sẽ xây dựng phương án, đo đạc, khoanh lại diện tích và tổ chức họp dân nếu dân Kon Tum không đồng ý thì không biết sẽ xử lý như thế nào”, ông Minh bày tỏ quan điểm.

Tại cuộc họp giữa hai tỉnh vào ngày 18/8 vừa qua, ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) thay mặt người dân bày tỏ mong muốn lãnh đạo hai tỉnh sớm có phương án đề xuất với Trung ương để giải quyết dứt điểm, không để bà con thiệt thòi do điều kiện sống quá khó khăn.

Tạ Vĩnh Yên

Cùng chuyên mục