Trong năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận… đã ban hành quyết định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.
Theo quyết định, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không biết đọc, viết tiếng Việt đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày dự sát hạch), có nhu cầu học, sát hạch lấy Giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 sẽ nộp hồ sơ tại các cơ sở đào tạo do Sở Giao thông vận tải cấp phép.
Giáo án đào tạo được biên soạn riêng. Nội dung giáo án tập trung chủ yếu vào hệ thống biển báo hiệu đường bộ, điều kiện để tham gia giao thông, quy tắc giao thông đường bộ, các hành vi bị nghiêm cấm, những tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, ý thức đạo đức người tham gia giao thông và điều kiện đường xá địa hình của tỉnh để phù hợp trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt.
Sử dụng phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, động tác mẫu, chỉ dẫn và hỏi đáp. Tập trung giảng dạy kỹ năng lái xe trong hình thi liên hoàn và trực tiếp giáo viên phải đi mẫu.
Khi giảng dạy yêu cầu phải có đầy đủ hình ảnh mẫu về những vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần có nhiều ví dụ cụ thể sinh động để học viên dễ hiểu, dễ nhớ...
Quy định yêu cầu ngoài nội dung lý thuyết, cần nhấn mạnh thêm về tốc độ chạy xe trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không được sử dụng rượu, bia hoặc chất có cồn trước khi điều khiển phương tiện, đi đường đèo dốc, tránh vượt, chuyển hướng đúng quy tắc đường bộ, đi đúng làn đường, phần đường quy định.
Bên cạnh đó, quy định nêu rõ, thí sinh dự sát hạch không biết ký tên, được điểm chỉ vào bài sát hạch lý thuyết, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch.
Những thí sinh không nói, nghe được tiếng Việt phải có người phiên dịch. Người được giao nhiệm vụ phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi của sát hạch viên và câu trả lời của thí sinh…
Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết quy định của Luật Giao thông đường bộ, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông phải có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, hiện nay, tồn tại tình trạng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã, huyện miền núi vùng sâu, vùng xa có nhu cầu sử dụng xe mô tô nhưng không biết chữ nên chưa có Giấy phép lái xe mô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ được điều khiển xe mô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú ý đưa ra các quy định liên quan tới việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe đối với một số trường hợp đặc thù, bao gồm cả trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải ra quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người trúng tuyển; thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.