Thiếu kiến thức, kỹ năng, gia đình lại nuông chiều
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 231 vụ TNGT, làm chết 166 người, bị thương 179 người (tăng 3,13% số vụ, tăng 5,06% số người chết, giảm 12,68% số người bị thương).
Trong đó, xảy ra 105 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 75 người (chiếm 45,18% số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh), bị thương 64 người.
Công an huyện Mang Yang đến từng nhà thanh thiếu niên quậy phá để răn đe và tuyên truyền ATGT
“
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm về ATGT của tỉnh Gia Lai, Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai cho rằng: “TNGT xảy ra trên địa bàn hầu hết liên quan đến phương tiện môtô, xe máy. Phòng CSGT đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức các chuyên đề tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Với các đoạn tuyến quốc lộ thuộc địa phương có chỉ số TNGT tăng cao, Phòng sẽ chú trọng tăng cường tuần tra, kết hợp với Công an địa phương xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn TNGT”, Thượng tá Quỳnh nhấn mạnh.
”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Đức Cơ cho biết: "Nhiều thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không có điều kiện đến trường hoặc không tiếp tục đi học nên nhận thức thấp, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Phần lớn thanh niên không có nghề nghiệp ổn định nên thường tụ tập chơi bời lêu lổng, trong đó có vi phạm về trật tự ATGT".
"Nhiều trường hợp do tò mò, hiếu kỳ với cái mới, thích thể hiện nên điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, nẹt pô, đánh võng, bốc đầu xe môtô trên đường. Trong khi đó, bản thân không có kỹ năng, có trường hợp không có GPLX và nhận thức và ý thức bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng còn kém. Bên cạnh đó, các em không có sân chơi lành mạnh nên thường sa vào internet, rượu bia, sau đó chạy xe quậy phá. Một điểm nữa là xuất phát từ việc nuông chiều con của nhiều bậc phụ huynh, sẵn sàng bán đất, trâu bò để mua xe cho con", ông Định nói thêm.
Theo ông Định, phần lớn thanh thiếu niên vi phạm trên địa bàn qua nghiên cứu đều có điểm chung là thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình; thiếu sự quan tâm của cộng đồng, tổ chức xã hội. Các hội đoàn thể chưa lôi kéo các em tham gia sinh hoạt lành mạnh.
Còn ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền chưa đến được với số thanh niên, người nhà dẫn đến nhận thức chưa đến nơi đến chốn, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
"Một bộ phận thanh thiếu niên người DTTS đua đòi, mua xe phân khối lớn, trong khi đó hạ tầng giao thông chưa tốt, chưa đảm bảo. Cùng với đó là tỷ lệ người DTTS học GPLX rất ít, kỹ năng điều khiển kém, từ đó dẫn đến tỷ lệ TNGT tăng cao", ông Nam nói đồng thời cho rằng: "Công tác quản lý nhà nước, nhận thức của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa tốt, chưa thực sự quan tâm đến việc này.
Lực lượng CSGT công an Gia Lai ra quân tuyên truyền luật GTĐB trong khu dân cư vùng đồng bào thiểu số
Nhiều mô hình hay
Theo công an huyện Đức Cơ, xuất phát từ thực tế tình hình trật tự an toàn xã hội, ATGT diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Cảnh sát Hình sự phối hợp cùng công an các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, kiểm soát vào các khung giờ cao điểm, ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các loại tội phạm như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe…
Theo đó, các tổ công tác có sự tham gia của cả 3 lực lượng tiến hành tuần tra, kiểm soát từ 17h - 6h sáng hôm sau. Sự có mặt thường xuyên của lực lượng tuần tra phần nào khiến các đối tượng phải dè chừng, từ đó ngăn ngừa và hạn chế tối đa các loại tội phạm, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân.
Thiếu úy Nguyễn Bá Danh Nhân, Phó Trưởng Công an thị trấn Chư Ty (Đức Cơ) cho biết: Vào buổi tối các ngày cuối tuần, khu vực xung quanh công viên huyện Đức Cơ thường xuất hiện các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sau đó chạy xe máy nẹt pô, phóng nhanh, lạng lách… gây mất an ninh trật tự, mất ATGT. Lực lượng chức năng ngay sau đó đã tuần tra, chốt chặn để xử lý các đối tượng này. Có trường hợp anh em hóa trang mật phục để ghi hình, sau đó cung cấp cho Đội CSGT-TT (Công an huyện) xử lý “phạt nguội”.
"Đối với số thanh, thiếu niên có biểu hiện càn quấy, thường xuyên vi phạm Luật GTĐB, Công an thị trấn gọi hỏi để giáo dục, răn đe; yêu cầu gia đình ký cam kết giáo dục con em chấp hành nghiêm các quy định của Luật GTĐB. Nhờ vậy, thời gian gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập gây mất trật tự công cộng đã được hạn chế tối đa, góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn”, Thiếu uý Nhân cho hay.
Theo thống kê của Công an huyện Đức Cơ, 10 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 10 người, bị thương 2 người (giảm 2 người chết, 7 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Đặc biệt, kể từ khi triển khai mô hình “3 lực lượng phối hợp đảm bảo trật tự an toàn xã hội và ATGT”, tình hình TNGT giảm mạnh.
Tại huyện Đak Đoa và nhiều địa phương khác của tỉnh Gia Lai cũng tăng cường "phạt nguội" vi phạm luật GTĐB qua thông tin người dân cung cấp qua các trang mạng Zalo, Facebook.
Cụ thể: Sau 10 tháng triển khai, Công an huyện Đak Đoa tiếp nhận 45 thông tin phản ánh về vi phạm Luật GTĐB; xác minh, tra cứu phương tiện, ra quyết định xử "phạt nguội” 25 trường hợp vi phạm với số tiền 23,55 triệu đồng.
Còn tại huyện Kbang, Mang Yang, Chư Pưh và nhiều địa phương khác đã lập các đội tuyên truyền lưu động do lực lượng công an làm nòng cốt tìm đến các làng đồng bào DTTS để nói chuyện, tuyên truyền. Thay đổi nhiều cách tuyên truyền bằng cách nói tiếng đồng bào DTTS; gặp gỡ những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong khu dân cư; gặp những người có hoàn cảnh khó khăn là nạn nhân của TNGT để kêu gọi họ cùng tuyên truyền.
Bên cạnh đó, thời lượng tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chào cờ trong ngày thứ 2 đầu tuần ở các trường học, các nhà thờ tôn giáo được tăng lên, thường xuyên hơn để trang bị kiến thức pháp luật về giao thông cho các em ngay từ trên ghế nhà trường.