Thanh thiếu niên dân tộc thiểu số được đào tạo lái xe máy, máy kéo

Số vụ liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số điều khiển xe mô tô gây ra các vụ tai nạn giao thông có chiều hướng tăng ở Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai hiện đang tăng cường công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, xe máy kéo nhỏ xuống tận cơ sở nhằm giúp bà con nắm vững Luật Giao thông đường bộ trong bối cảnh 8 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp.

Cụ thể, các cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn tỉnh 8 tháng qua xảy ra 215 vụ tai nạn giao thông, làm chết 154 người, bị thương 170 người.

Trong đó, số vụ liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số điều khiển xe mô tô gây ra các vụ tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù phải nhiều lần gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Sở Giao thông vận tải Gia Lai đã cùng với các đơn vị liên quan tổ chức được 65 kỳ thi sát hạch xe mô tô. Qua đó, cấp được gần 9 nghìn giấy phép lái xe hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong số này có trên 3 nghìn trường hợp không biết đọc, biết viết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, nhất là thanh thiếu niên dân tộc thiểu số được tiếp cận với Luật Giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, xe máy kéo nhỏ ngay tại cơ sở, đồng thời có phương án hỗ trợ một phần học phí cho người dân thuộc diện hộ nghèo.

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo thành lập các tổ chuyên đề và tăng cường tuyển sinh ở các địa phương vùng sâu vùng xa. Trong đó tăng thời gian đào tạo, rồi có hình thức đào tạo riêng đối với trường hợp đặc thù và đào tạo ngay ở địa bàn cơ sở, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp xúc với đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe.

Mô tô là phương tiện chính được đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai sử dụng để lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Do đó, việc đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô xuống tận cơ sở sẽ giúp người dân nắm vững Luật Giao thông đường bộ. Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại nhiều huyện, thị trấn, đối tượng có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1, máy kéo nhỏ hạng A4 đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo lái xe và được đào tạo tập trung. Việc tổ chức sát hạch lý thuyết thực hiện bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy dưới sự hỗ trợ của 2 sát hạch viên (1 người đọc và 1 người đánh dấu vào ô tương ứng mà thí sinh lựa chọn). Thời gian thực hiện sát hạch lý thuyết là 17 phút với thang điểm tối đa là 22 điểm.

Để hỗ trợ công tác đào tạo, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện, quản lý, giám sát, thanh-kiểm tra; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, phát hành giáo trình giảng dạy, bộ câu hỏi dùng để ôn tập, sát hạch lái xe bằng 3 thứ tiếng: Việt, Jrai và Bahnar; biên soạn, phát hành bộ đề, đáp án sát hạch lý thuyết.

Ngoài ra, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xác nhận người học và người dự sát hạch lái xe là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt; kịp thời thông tin những vướng mắc phát sinh về tình hình thực hiện để tháo gỡ.

Cùng chuyên mục