Mức phạt thấp không đủ sức răn đe, phụ huynh lẫn học sinh vẫn thờ ơ với MBH

CSGT gọi vào phạt 100-200 nghìn, không mấy ai vì thế mà thay đổi thói quen, họ vẫn chở con không đội MBH tới trường mỗi ngày.

Nhằm giúp hạn chế TNGT và vi phạm trật tự ATGT liên quan đến trẻ em, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Thái Nguyên đã tăng cường xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy . Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính còn gặp khó về chế tài theo quy định của pháp luật.

Không đội mũ bảo hiểm cho con, thói quen xấu khó bỏ của không ít phụ huynh

Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Theo quy định, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, không xử phạt vi phạm trật tự ATGT đối với trẻ từ 7 đến dưới 14 tuổi.

Phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

Phạt cảnh cáo là mức cao hơn nhắc nhở nhưng không được phép xử phạt tiền hoặc tạm giữ phương tiện.

Người từ 16-18 tuổi vi phạm mới bị xử phạt nhưng mức phạt tiền bằng 50% quy định chung.

Những quy định này rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với trẻ em nhưng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn xử lý, răn đe với những trẻ có hành vi ngỗ ngược, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Đơn cử như trường hợp trẻ dưới 14 tuổi lấy xe máy của cha mẹ hoặc đi xe máy điện, xe đạp điện nhưng đua xe, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu thì lực lượng Cảnh sát giao thông bắt giữ được chỉ tuyên truyền, giáo dục, gọi phụ huynh đến nhắc nhở, chứ không xử phạt. Điều này khiến một số trẻ tiếp tục vi phạm nếu không có sự giám sát từ phụ huynh.

Đối với vấn nạn phụ huynh vi phạm trật tự ATGT khi đưa đón con, cháu đi học, Đại úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Định Hóa cho biết: Chúng tôi cũng gặp khó khăn vì khi có mặt lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các phụ huynh chấp hành rất nghiêm túc, nhưng khi lực lượng rút đi thì họ lại tái diễn vi phạm.

Có thể thấy thực trạng này không chỉ xảy ra ở Thái Nguyên.

Tại rất nhiều tỉnh, thành khác, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chắc chắn phải có một giải pháp đủ mạnh như tăng cường tuyên truyền, tuần tra nhắc nhở, tăng mức xử phạt mới tạo ra được chuyển biến trong nhận thức của người dân.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục