Kon Tum: Tuyên truyền ATGT đến từng buôn, bản TNGT giảm bền vững

Văn Tư

Năm 2021, TNGT liên quan đến đồng bào DTTS chiếm đến 52,5%. Tuy nhiên, huyện nào đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến buôn, bản thì TNGT giảm hẳn.

Năm 2021, địa bàn tỉnh Kon Tum để xảy ra 80 vụ TNGT làm chết 82 người và 47 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, tăng 7 vụ TNGT, tăng 4 người chết, giảm 24 người bị thương.

Tuy nhiên, số vụ TNGT có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỉ lệ rất cao. TNGT liên quan đến người DTTS trong năm 2021 xảy ra 42 vụ (chiếm 52,5%), làm 43 người chết (chiếm 52,44%) và 30 người bị thương (chiếm 63,82%).

Theo Ban ATGT tỉnh Kon Tum, tất cả các địa bàn huyện chú trọng đến công tác tuyên truyền cho đồng bào DTTS, tổ chức đến từng buôn, bản tuyên truyền thì TNGT giảm rõ rệt.

Việc tuyên truyền triển khai thường xuyên nhưng tập trung nhiều trong tháng An toàn giao thông hàng năm.

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Phó trưởng phòng CSGT được biệt phái làm Chánh văn phòng Ban ATGT, 3 năm liền ông thường xuyên đi tập huấn cho các cán bộ tuyên truyền các buôn bản, để cán bộ địa phương tuyên truyền cho đồng bào.

Thực hiện kế hoạch đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, Văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức tuyên truyền chuyên đề ATGT cho người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào DTTS.

Cụ thể, cán bộ thôn và nhân dân xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, xã Hơ Moong huyện Sa Thầy, xã Ngọc Réo huyện Đăk Hà, xã Văn Lem huyện Đăk Tô.

Dự các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT tại các xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, xã Hơ Moong huyện Sa Thầy, xã Ngọc Réo huyện Đăk Hà, xã Văn Lem huyện Đăk Tô có gần 400 cán thôn và nhân dân tham dự.

Qua các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT của Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum sẽ giúp cán bộ thôn và nhân dân xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, xã Hơ Moong huyện Sa Thầy, xã Ngọc Réo huyện Đăk Hà, xã Văn Lem huyện Đăk Tô có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết đúng hơn các quy định khi tham gia giao thông, trong đó nhấn mạnh bà con uống ít rượu, bia trong các tiệc cưới, lễ hội…vừa đảm bảo sức khỏe, làm chủ tay lái cũng như bảo vệ tính mạng của mình và mọi người.

Sau đợt tuyên truyền tại xã, các đồng chí cán bộ thôn và nhân dân đã tham dự buổi tuyên truyền sẽ triển khai nội dung này đến từng người dân trên địa bàn các thôn để đồng bào dân tộc hiểu đúng về pháp luật ATGT và chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông đường bộ, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông nhằm hạn chế TNGT cho đồng bào DTTS.

Trao đổi với Báo Giao thông, một già làng thị trấn Đắk Plei, huyện Đắk Plei cho biết: “Từ năm 2020, tôi thấy các anh CSGT về tuyên truyền vào buổi tối là rất hiệu quả. Trước kia tôi thấy các anh công an về tuyên truyền hầu hết tại các nhà trường cho các cháu học sinh. Cái đó tốt, nhưng TNGT gây ra chủ yếu lại do người lớn.

Vì vậy khi cán bộ công an đặt vấn đề với tôi tuyên truyền cho người lớn tôi thấy hợp lý nên ủng hộ liền. Ngày trước mỗi lần tôi đi thông báo tập hợp bà con tham dự buổi họp dân thường phải bố trí vào buổi tối, ban ngày bà con đi rẫy hết. Nay tôi thông báo các anh công an về tuyên truyền vào buổi tối, kết hợp với những buổi họp dân của buôn, của làng luôn.

Các buổi tuyên truyền đều có màn hình lớn chiếu cho người dân xem những vụ TNGT thương tâm trên địa bàn mình, họ sợ nhưng thấu hiểu. Có người được nhìn lại hình ảnh hiện trường người thân mình bị TNGT đã khóc. Tôi thấy giải pháp đó thay đổi ý thức người dân tốt lắm”.

Kết quả đồng bào DTTS địa phương nào được đẩy mạnh tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” từ năm 2020 thì địa bàn những huyện đó TNGT giảm đáng kể. Theo báo cáo Ban ATGT tỉnh Kon Tum, năm 2021, huyện Sa Thầy, huyện Đăk Glei giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi, huyện Ia H’Drai giảm 02 tiêu chí (huyện Đăk Tô và huyện Ngọc Hồi giảm về số vụ, số người chết, không tăng không giảm về số người bị thương, huyện Ia H’Drai giảm số vụ, giảm số người bị thương, tăng số người chết).

Thăm hỏi đồng bào DTTS bị TNGT được Ban ATGT tỉnh Kon Tum quan tâm đặc biệt

Đại diện lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Kon Tum cho biết: “Chọn buổi tối tuyên truyền để tập hợp người dân tạo hiệu quả cao. Tuy nhiên, Ban ATGT đã chỉ đạo, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT một cách quyết liệt hơn nữa.

Chú trọng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân...”.

Đối với các xã vùng biên giới Bộ đội biên phòng (BĐBP) là lực lượng chủ công tuyên truyền công tác trật tự ATGT gắn với các chương trình tuyên truyền khác.

Từ đó vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới của BĐBP tỉnh Kon Tum những năm qua là đã xây dựng thành công và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình, công trình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định cuộc sống cho đồng bào nhân dân các dân tộc trên hai tuyến biên giới của tỉnh; duy trì, giữ vững và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền, nhân dân các bộ tộc của nước bạn Lào và Campuchia.

Văn Tư

Cùng chuyên mục