Giấc mơ chiếc cầu nối thị trấn cửa ngõ Tây Nguyên thành hiện thực
Già làng Hà Sĩ Thử - một lão thành cách mạng, cả đời gắn bó với thị trấn Đắk Glei là người hiểu rõ về những khao khát một chiếc cầu của người dân thị trấn Đắk Glei.
Theo già làng, ngày xưa nghèo, nhà tranh vách tre, cuộc sống người dân tự cung tự cấp thì đơn giản. Nhưng từ những năm 1980 trờ lại đây, người dân bắt đầu xây nhà, làm đường liên thôn, nhưng thấy dân toàn cõng vật liệu qua sông.
Giá thành vật liệu chênh lệch quá lớn. Đời sống của người dân 2 bên bờ sông chênh lệch. Bên tây thị trấn có đường HCM đi qua đời sống người dân giàu có, bên đông kinh tế buôn làng gặp nhiều khóa khăn do cách trở con sông Pô Kô.
Không những vậy, đã có những tai nạn thương tâm khi người dân lội sông đi làm bị lũ cuốn trôi. Năm 2009, huyện có 3 trường hợp chết vì lũ rất thương tâm.
Niềm vui người dân thị trấn Đắk Glei trong ngày khánh thành cầu qua sông Pô Kô
Theo già làng, chiếc cầu không chỉ là mong mỏi của người dân, mà còn là những khắc khoải chưa hoàn thành đối với những lão thành cách mạng. Sau khi thống nhất đất nước, huyện Đắk Glei có đến 70 cán bộ như già làng được điều động lên xây dựng huyện, trong đó có 20 người bỏ về lại quê hương. Còn lại 50 người, nhưng nay chỉ còn 7 người còn sống.
Tất cả những cán bộ nòng cốt năm ấy, đều mong muốn huyện Đắk Glei phát triển xứng đáng với tên gọi là đô thị cửa ngõ Tây Nguyên. Ai cũng mong có được chiếc cầu nối 2 bờ sông Pô Kô. Già làng cũng hy vong có được chiếc cầu trước khi ông mất, để ông thắp hương báo cáo với những đồng đội, những người cán bộ đã rời quê hương để lên đây xây dựng mảnh đất Đắk Glei này.
Mãi đến năm 2020, thị trấn đầu cửa ngõ Tây Nguyên huyện Đắk Glei vẫn bị chia cách đôi bờ bởi dòng sông Pô Kô. Giao thông kết nối chỉ có chiếc cầu treo 2,5 tấn được xây dựng từ những năm 1980 đã cũ nên cấm các loại ô tô qua cầu.
Không chỉ có vậy, khu đông sông có đến 6 cơ sở giáo dục (Trường PT dân tộc nội trú, Trường THCS thị trấn, Trường THCS, Trung tâm dạy nghề huyện). Theo quy hoạch năm 2010 của tỉnh Kon Tum, khu hành chính huyện sẽ nằm toàn bộ bên bờ đông sông Pô Kô. Đối với người dân ở đây, một chiếc cầu nói 2 bờ sông để con đường thông thương thuận lợi hơn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Giao thông Kon Tum, cho biết, năm 2020, niềm vui của người dân đã thành hiện thực. Dự án cầu qua sông Pô Kô đã được công ty Công ty CP Tư vấn xây dựng Giao thông Kon Tum nghiên cứu xây dựng và trình lãnh đạo các cấp từ nhiều năm trước, và đến năm 2017 đã được tỉnh Kon Tum quyết định phê duyện đầu tư.
Dự án được khởi công tháng 11/2018 và hoàn thành tháng 7/2020, với tổng kinh xấp xỉ 40 tỷ đồng. Trong buổi lễ khánh thành ông Hoàng Trung Thông, khi đó đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, đã xúc động cho biết: “Để xây dựng cầu qua sông Pô Kô góp phần xây dựng thành công khu đô thị Đông Sông theo chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, trong quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên phải nói là khó khăn về quy hoạch. Vị trí cũ tại phòng Nông nghiệp cũ, trước cổng UBND huyện dễ gây mất ATGT, không phát huy tối đa hiệu quả cây cầu, không tạo điểm nhấn với vai trò là vị trí trung tâm của hệ thống giao thông.
Chính vì vậy, năm 2016, huyện Đắk Glei trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thị trấn Đắk Glei, trong đó điều chỉnh vị trí tuyến cầu BTCT qua sông Pô Kô từ vị trí cũ đến vị trí mới như hiện nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công cầu qua sông Pô Kô chủ đầu tư và đơn vị thi công còn gặp khó khăn về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, về ý tưởng thiết kế…
Tuy nhiên, được sự quan tâm của ban ngành các cấp và sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công, thiết kế, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là sự ủng hộ của người dân trong việc giải phóng mặt bằng nên cây cầu từ ý tưởng đã trở thành hiện thực".
Nhờ có đường Hồ Chí Minh và cây cầu Pô Kô nối liền 2 bên thị trấn, đến nay thị trấn Đắk Glei có gần 1.600 người với 10 thôn văn hóa, có 4 trường học; có hàng trăm cơ sở dịch vụ sản xuất, chế biến, cung cấp hàng hóa và thu ngân sách đạt gần 6 tỉ đồng.
Sẽ có 11 cây cầu qua sông Đắk Pla
Với người dân Kon Tum và không ít du khách thập phương, cây cầu đôi Đắk Bla và cầu treo Kon Klor dường như đã quá quen thuộc. Cầu Đắk Bla là huyết mạch nối cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, là nhịp cầu vô cùng quan trọng trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua Kon Tum, còn cầu treo dây văng Kon Klor bao năm nay không chỉ làm nhịp cầu nối hai bờ, mà còn tạo nên khung cảnh thơ mộng - một điểm đến hấp dẫn với du khách mỗi khi đặt chân đến Kon Tum.
Những chiếc cầu treo qua sông Đắk Pla trở thành biểu tượng riêng của đồng bào tỉnh Kon Tum
Ngoài ra trên dòng sông Đắk Bla qua thành phố Kon Tum đang được xây dựng một số cầu mới kết nối giữa các vùng, khu dân cư, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trên nhiều phương diện. Khi những cây cầu này hoàn thành còn làm cho dòng Đắk Bla hấp dẫn, thơ mộng hơn.
Theo quy hoạch, chỉ tính trên đoạn sông Đắk Bla từ xã Đắk Blà đến xã Đoàn Kết, Vinh Quang có đến 7 cây cầu. Dự án xây cầu thứ nhất (từ phường Thắng lợi đi xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), cầu được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 6 nhịp, dài 250,4m, rộng 12m, có tổng mức đầu tư là 96 tỷ đồng. Cầu kết nối với khu dân cư phía bắc thành phố Kon Tum (thuộc phường Thắng Lợi), thông qua làng Kon Tum Kơ Pơng xã Đắk Rơ Wa.
Dự án xây cầu thứ hai được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 8 nhịp, dài 330m, rộng 12m, với tổng mức đầu tư là gần 100 tỷ đồng, cầu nối giữa xã Vinh Quang và xã Đoàn Kết. Cả 2 cây cầu hiện đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, xen giữa những cây cầu kể trên, còn có một cây cầu bắc qua sông Đắk Bla trên khu vực đập tràn từ Ngục Kon Tum sang phường Nguyễn Trãi. Cây cầu này đang được các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Chia sẻ niềm vui khi có thêm những cây cầu được xây dựng nối liền khoảng cách hai bờ sông Đắk Bla, ông A Bruk (thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang), cho biết: “Nhà mình ở bên này, nhưng ruộng, rẫy đều làm bên kia sông (phía xã Đoàn Kết), nên hàng ngày đi làm mình phải chèo thuyền. Giờ cầu được xây dựng mình mừng lắm. Khi cầu được hoàn thành thì việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều”.
Cùng chung niềm vui, chị Y Hút (thôn Kon Tu 1, xã Đắk Blà) phấn khởi khi chiếc cầu trên tuyến tránh thành phố Kon Tum nối thông đôi bờ sông. Giờ đây, chị không phải đi đường vòng hàng chục cây số từ Đắk Blà chạy vòng qua cầu treo Kon Klor đến xã Đắk Rơ Wa rồi băng qua quãng đường đất mất cả tiếng mới đến được khu sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, bà Y Khiêm - Phó Chủ tịch xã Đắk Rơ Wa cho hay, những cây cầu được xây dựng trên sông Đắk Bla nối với xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn được khoảng cách, thuận lợi cho giao thương, thu mua, buôn bán nông sản mà từ đó còn đem lại lợi thế phát triển cho địa phương. Bởi, những cây cầu và tuyến đường chạy qua khu sản xuất sẽ làm cho giá trị đất được nâng cao, mở ra cơ hội phát triển cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tỉnh tỉnh Kon Tum, cho biết: “Khi được hoàn thiện những cây cầu bắc qua sông Đắk Bla có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo vẻ đẹp hấp dẫn cho không gian đô thị và mở ra kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc của thành phố Kon Tum. Phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.