Tại các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An đã có không ít những vụ tai nạn thương tâm do thanh thiếu niên, học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm giao thông gây ra khiến ban ngành chức năng nỗ lực tìm mọi cách ngăn chặn.
2 ngày sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng 3 học sinh người Khơ Mú, số trường hợp vi phạm giao thông là học sinh ở huyện Kỳ Sơn vẫn không giảm.
Thiếu niên học sinh vi phạm giao thông, những nguy cơ đã được báo trước
Vụ tai nạn xảy ra vào hồi 22h40 ngày 9/11 tại Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn là một ví dụ điển hình nhất. Vào thời điểm xảy ra tai nạn 4 em học sinh lớp 10 và lớp 11 Trường THPT Kỳ Sơn đèo nhau trên 2 xe máy đi ngược chiều nhau trên QL7 đoạn qua Thị trấn Mường Xén.
Khi đi đến đường cong tại Km201 thuộc khối 4, xe máy do em Lữ Văn An (SN2005, ở xã Hữu Kiệm) điều khiển, chở theo sau Moong Văn Huệ (SN 2005, trú tại xã Bảo Thắng) lấn sang phần đường xe ngược chiều và đâm vào xe gắn máy do em Moong Văn Hải (SN 2006, trú xã Chiêu Lưu) điều khiển chở sau Cụt Bá Mạnh (SN 2005, trú ở xã Mường Ải) đi theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến 3 em An, Hải, Mạnh tử vong tại chỗ; em Huệ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch; hai xe hư hỏng nặng.
“
Trong 10 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 5 người, bị thương 4 người. Trong đó, gần một nửa số nạn nhân là thanh thiếu niên, học sinh.
Còn tại huyện Tương Dương, trong 3 quý đầu năm 2021, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ TNGT làm chết 4 người, bị thương 11 người. Trong đó, cũng có 2 nạn nhân là học sinh lớp 9 người dân tộc thiểu số.
”
Tương tự, hồi đầu năm 2021, tại huyện Tương Dương, 2 em học sinh lớp 9 (trú bản Đình Thắng và Bản Quang Phúc, xã Tam Đình) đi xe gắn máy trên QL48C, sau đó tự gây tai nạn. Khi mọi người phát hiện thì các em đã tử vong ở vệ đường và cạnh hố thu nước.
Đại úy Lê Tiến Nam – Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Kỳ Sơn thông tin: Quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, do nạn nhân tử vong nên cơ quan điều tra không lấy mẫu máu để xét nghiệm nồng độ cồn, chất kích thích.
Tuy nhiên, qua lời khai nhân chứng thì vào buổi tối, nhóm học sinh này có tập trung ngồi uống rượu, sau đó mới lên xe di chuyển.
Hơn nữa, khi xác minh phương tiện, lực lượng công an phát hiện trong hồ sơ xử lý vi phạm giao thông, công an huyện đã phạt, tạm giữ chiếc xe máy kể trên không dưới 10 lần về các lỗi như: điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX...
Khi chúng tôi tới thăm hỏi, chia buồn với gia đình em Lữ Văn An (nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn ở TT Mường Xén), bố của em cũng chỉ đành gạt nước mắt cho biết: “Gia đình và thầy cô đã giáo dục mà vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc. Giờ như thế này, gia đình cũng không làm gì được nữa!”.
Bố đẻ em Lữ Văn A. buồn rầu vì con cái không nghe lời dẫn đến hậu quả đau lòng.
Trung tá Nguyễn Văn Đường - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Tương Dương cho biết: Vài năm trở lại đây, lượng xe gắn máy dưới 50cc xuất hiện rất nhiều ở các trường học. Loại xe này người điều khiển không cần giấy phép lái xe nhưng phải đủ 16 tuổi. Bất chấp quy định, nhiều gia đình vẫn mua cho con em sử dụng ngay cả khi chưa đủ tuổi.
“Xe này không khác xe máy là mấy, có thời điểm chúng tôi đo tốc độ có xe chạy tới 70km/h”, Đại úy Nam cho biết thêm.
Phối hợp 3 bên, vừa tuyên truyền vừa mạnh tay xử lý
“Tai nạn thì mặc tai nạn, vi phạm vẫn tái vi phạm”. Đây là thực tế đang xảy ra ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An.
Trong ca tuần tra vào sáng ngày 9/11 (2 ngày sau vụ tai nạn nghiêm trọng Thị trấn Mường Xén), lực lượng CSGT Công an huyện Kỳ Sơn vẫn phát hiện và xử lý tới hơn 20 trường hợp vi phạm giao thông. Đáng nói tất cả các trường hợp này đều là thanh thiếu niên, học sinh người dân tộc thiểu số.
Chỉ vài tiếng tuần tra, lực lượng CSGT huyện Kỳ Sơn đã tạm giữ tới gần chục chiếc xe gắn máy do người điều khiển là các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ 16 tuổi. Điều này chứng tỏ có sự nuông chiều từ các bậc phụ huynh.
Đơn cử như trường hợp em Lương Thị M. (học sinh lớp 10, trú Bản Cảnh, xã Tà Cạ) bị lập biên bản tạm giữ xe gắn máy vì điều khiển xe khi chưa đủ 16 tuổi và không có giấy tờ xe.
Khi được hỏi em M nói: “Mẹ đi làm ở Bắc Ninh mới gửi tiền về mua cho cháu để đi học”. Đặc biệt, em M tỏ ra khá bình thản khi bị CSGT bắt giữ xe. Em cho biết: “Lớp em các bạn cũng đi xe gắn máy cả rồi”.
Không để "mất bò mới lo làm chuồng", ngay từ đầu năm 2021, nhận thấy vi phạm giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh tăng cao, các cấp ngành và lực lượng chức năng ở Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
"Như ở Kỳ Sơn, hàng tháng, Công an huyện giao hẳn chỉ tiêu tuyên truyền ATGT cho từng cán bộ của Đội CSGT. Các cán bộ chiến sĩ sẽ phải lên kế hoạch đi từng trường, từng bản để tuyên truyền cho người dân.
Mấy tháng nay, vì dịch không làm được trực tiếp thì Đội tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook”, Đại úy Nam cho biết.
“Chúng tôi liên tục mở các cao điểm tuần tra kiểm soát về TTATGT để xử lý các vi phạm nổi cộm trên địa bàn. Trong 3 quý đầu năm, Đội đã tổ chức 741 ca tuần tra kiểm soát với 2.297 lượt cán bộ tham gia. Phát hiện và lập biên bản 2.357 trường hợp, trong đó có trên 70% là mô tô, xe gắn máy”, Đội trưởng Nguyễn Văn Đường cho biết.
Giải pháp nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chứng tỏ các biện pháp, giải pháp mà lực lượng chức năng tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An đã và đang thực hiện là chưa phù hợp.
Bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nguyên nhân vụ tai nạn một phần là do sự chủ quan của các em và gia đình khi giao xe và tự ý điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi cho phép dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Cả 4 nạn nhân trong vụ tai nạn đều là người đồng bào dân tộc Khơ Mú, nhà ở các bản làng xa trung tâm thị trấn. Để đảm bảo việc học thì các em được gia đình cho lên thị trấn thuê nhà, ăn học.
“Vấn đề bất cập là hiện nay trên địa bàn huyện chưa có trường nội trú nên việc quản lý các em học sinh gặp nhiều khó khăn, trong khi gia đình ở xa.
Thời gian tới, huyện sẽ đề xuất và xây dựng lại mô hình học nội trú vừa để giúp các em nghèo có điều kiện ăn ở tốt hơn so với đi thuê trọ; thứ nữa có sự giám sát tốt hơn từ phía nhà trường đối với các em”, bà Quyên cho hay.
Ông Phan Huy Chương - Phó Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho rằng: Để giảm thiểu vi phạm thì vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tuyên truyền sâu rộng tới các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuyên truyền đa dạng để những người đồng bào, người dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành pháp luật.
Cùng đó, lực lượng CSGT, công an địa phương tăng cường nắm bắt các hành vi vi phạm nổi cộm ở địa bàn mình để lập sớm các kế hoạch, chuyên đề xử lý... không thể thành chuyện đã rồi.
Đồng thời, phối hợp 3 bên: lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường để tập trung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh. Từng địa phương xây dựng một vài mô hình mẫu về đảm bảo TTATGT, khi có hiệu quả sẽ nhân rộng.