Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều em học sinh không may gặp TNGT tử vong, để học sinh đến trường an toàn, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã triển khai tập huấn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho giáo viên và học sinh tại 3 điểm trường ở TP. Pleiku.
Vụ TNGT ngày 11/9 tại TP. Pleiku khiến 3 anh em trong một gia đình người đồng bào thiểu số (độ tuổi học sinh) tử vong sau va chạm với với xe ô tô.
Học sinh gặp nạn do TNGT
“
Tuyên truyền viên với đồng bào mình
"Chương trình ngoại khóa không những giúp học sinh hiểu biết sâu rộng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn mà khi về với gia đình, nơi sinh sống, mỗi em còn là một tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT, từ đó giảm thiểu TNGT".
Thầy Hoàng Bình Châu -Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh:
”
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, trong 10 tháng đầu năm 2022, TNGT trên địa bàn tăng cả 3 tiêu chí, đã xảy ra 270 vụ, làm 195 người chết, 215 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2021, tăng 23 vụ (+9,31%), tăng 19 người chết (+10,8%), tăng 24 người bị thương (+12,57%).
Phân tích các vụ TNGT cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 90%; đáng lo ngại là nhiều trường hợp thanh thiếu niên, trong đó có học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở các lỗi phổ biến: Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang,… và thiếu kỹ năng lái xe gắn máy an toàn dẫn đến tai nạn.
Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ TNGT trong đó có các em học sinh đang theo học ở các trường trên địa bàn tỉnh. Có trường hợp học sinh tử vong sau TNGT. Cụ thể, ngày 12/3 xảy ra trên địa bàn huyện Chư Pưh: 2 học sinh, đều sinh năm 2007 điều khiển mô tô đã tông vào ô tô chạy phía trước cùng chiều, làm 1 em tử vong; vụ TNGT vào ngày 1/11, xảy ra trên địa bàn huyện Đức Cơ: 2 học sinh, cũng đều sinh năm 2007 điều khiển mô tô dừng sau ô tô, sau đó ô tô lùi, va chạm dẫn đến 2 em học sinh tử vong.
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, qua các vụ tai nạn này cho thấy, vi phạm rõ nhất là các em chưa đủ tuổi điều khiển mô tô và trường hợp thiếu kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, điều khiển xe dừng sau ô tô - đây chính là “điểm mù”, khoảng không gian bị che khuất, người lái xe ô tô không thể quan sát hay nhìn qua gương chiếu hậu khi ngồi bên trong điều khiển phương tiện, gây TNGT rất thương tâm.
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều em học sinh ở vùng sâu vùng xa ít có điều kiện được trang bị các thông tin, quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển. Đáng chú ý, nhiều thanh thiếu niên biết sử dụng phương tiện xe gắn máy, xe máy kéo để đi nương rẫy nhưng kém và thậm chí không có về kỹ năng, phương pháp lái xe an toàn, kỹ năng phòng tránh TNGT và tham gia giao thông có văn hoá...
Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tham gia thực hành kỹ năng lái xe an toàn
Trang bị kỹ năng cho học sinh
Mới đây, tại trường THPT Nội trú tỉnh Gia Lai, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã triển khai chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh và lớp tập huấn dành cho giáo viên. Trường Nội trú tỉnh Gia Lai là nơi có đông đảo học sinh đến từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền kỹ năng cho các em học sinh tại đây có thêm ý nghĩa để các em học sinh này về tại quê hương sẽ trở thành những người tuyên truyền viên ATGT hiệu quả nhất là trong lứa tuổi đồng trang lứa.
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, hoạt động trên nhằm trang bị kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy; kiến thức, kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh THPT, góp phần phòng ngừa TNGT cho học sinh; Bồi dưỡng cho giáo viên nòng cốt của các trường THPT về chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn để triển khai lại cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Hiếu: "Việc tổ chức hướng đến trang bị kiến thức, kỹ năng và truyền đạt trọng tâm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng; chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để các em học sinh đến trường an toàn khi tham gia giao thông.
Em Nguyễn Văn Mạnh (lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) cho biết, “Thông qua chương trình này em biết thêm được nhiều kiến thức hơn về Luật Giao thông đường bộ và qua đây thì em cũng được biết là mình có những quyền gì khi tham gia giao thông, từ đó sẽ về tuyên truyền lại cho các bạn trong thôn, làng để các bạn hiểu hơn nhằm thực hiện tốt các quy định về ATGT”.
Cùng lớp với Mạnh, em Đinh Min cho biết, ở ngôi làng em sống có nhiều thanh thiếu niên tham gia giao thông không an toàn. Trong đó có cả người thân của em. “Ở làng em, các bạn thường đi xe rất ẩu, mới 12-14 tuổi đã bắt đầu đi xe máy. Sau khi tham gia chương trình này, em sẽ tuyên truyền cho những bạn cùng trang lứa, sau đó là người thân trong gia đình không lái xe khi đã uống rượu bia hoặc thấy ai chưa đủ tuổi mà đi xe máy thì phải ngăn cản. Nếu khuyên bảo không nghe thì em sẽ báo trưởng thôn hoặc những người có thẩm quyền để xử lý, tránh nguy cơ xảy ra TNGT”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: "Thời gian qua, TNGT xảy ra đối với các em trong lứa tuổi học sinh chiếm tỷ lệ rất cao, để lại hậu quả nghiêm trọng. Thông qua chương trình này, chúng tôi đặt ra mục tiêu làm sao để các em nắm cơ bản những quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng như kỹ năng lái xe an toàn nhằm hạn chế tối đa TNGT xảy ra ở lứa tuổi học sinh.
Đây là chương trình điểm làm tiền đề cho việc triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh những năm tiếp theo. Ngoài việc nâng cao kiến thức pháp luật ATGT cho các em học sinh, Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị chức năng, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng phức tạp về TNGT".