Từ một địa phương đặc biệt khó khăn của TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, với trên 65% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đến nay phường 5 đã không còn hộ nghèo, đường sá khang trang, giao thông thuận lợi, nhiều tiện ích khác được nâng lên.
Được địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chị Dương Thị Sê (người dân tộc Khmer, ngụ khóm 5, phường 5, TP Sóc Trăng) chia sẻ, hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, rất may mắn được chính quyền địa phương giúp đỡ có được căn nhà tình thương để che nắng, che mưa.
Mô hình chăn nuôi bò thịt giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.
"Để có vốn làm ăn, vợ chồng tôi cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội TP Sóc Trăng hỗ trợ cho vay ưu đãi gần 100 triệu đồng để chăn nuôi bò thịt và buôn bán nho nhỏ. Mỗi ngày, tôi cũng kiếm lời trên 200.000 đồng. Nhờ tiết kiệm chi tiêu và cố gắng làm ăn, vợ chồng tôi còn thuê được 1ha đất ruộng để làm, cuộc sống giờ đây đã ổn định hơn, vợ chồng tôi cũng mạnh dạn xin thoát nghèo", chị Sê phấn khởi.
Còn anh Kim Dưng (người dân tộc Khmer, ở phum Chồng Chát) chia sẻ: "Nhờ được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ vốn vay, tôi đã xây chuồng và nuôi 2 con bò thịt. Hàng năm, tôi bán 1 con bò với giá gần 15 triệu đồng. Qua tích lũy nhiều năm, cộng với việc làm thêm, đến nay vợ chồng tôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, cuộc sống gia đình trở nên đầm ấm và thoải mái hơn trước nhiều".
Theo ông Lý Kim Sươl, Phó Chủ tịch UBND phường 5, năm 2016 phường có trên 20% hộ nghèo nên Đảng ủy và UBND phường đã xác định xóa nghèo là nhiệm vụ trong tâm giúp dân ổn định cuộc sống.
Từ đó, phường đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện đồng bộ và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình trồng màu; mô hình trồng màu trong nhà lưới; mô hình nuôi bò thịt; mô hình cánh đồng lúa cao sản (với diện tích gần 1.450ha thí điểm sản xuất giống lúa ST)… góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
"Do xác định đúng mục tiêu, nên đến cuối năm 2020 trên địa bàn phường 5 không còn hộ nghèo. Được như vậy là nhờ vào sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, UBND phường và sự nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo…
Đường giao thông nông thôn ở Sóc Trăng đã được bê tông hóa, giúp cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đi lại thuận lợi hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó, người dân tự vươn lên trong cuộc sống", ông Sươl thông tin thêm.
Cũng theo ông Sươl, thời gian tới, phường 5 sẽ tập trung chăm lo cho các hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình; đặc biệt là tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc theo hướng giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2021, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã tiếp nhận trên 50 tỷ đồng, triển khai xây dựng, sửa chữa 877 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá 44 tỷ đồng.
"Qua đó, đã giúp cho hộ nghèo sớm có nhà ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống khá giả, sung túc. Dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 1.099 hộ nghèo khó khăn về nhà ở còn lại trên địa bàn tỉnh", ông Dương Sà Kha thông tin thêm.