Từ gian khó, huyện nghèo Tu Mơ Rông đổi thay diện mạo

Tạ Vĩnh Yên

Từ một huyện nghèo khó, Tu Mơ Rông (Kon Tum) "lột xác" cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông tạo tiền đề phát triển kinh tế tại địa phương. 

Sau 17 năm (2005 -2022), huyện nghèo Tu Mơ Rông (Kon Tum) với 95% là người đồng bào thiểu số đã từng bước thay da đổi thịt trên vùng đất núi cao của dãy Trường Sơn...

Người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Trong gian khó

17 năm trước, ngày 1/6/2005, huyện Tu Mơ Rông được tách ra từ huyện Đắk Tô (Kon Tum). Khi mới thành lập, Tu Mơ Rông là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum và của cả nước. Huyện có trên 27.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng.

Đây là vùng núi cao có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai.

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, xuất phát điểm của huyện trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá, giao thông trắc trở. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,636 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 135 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chiếm tới 76%...

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước đã đến thăm vườn sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông và đặt cho giống sâm quý này "Quốc bảo".

Năm 2014, vào thời điểm này PV Báo Giao thông đã đến địa bàn huyện Tu Mơ Rông công tác. Vòng quanh một vòng trung tâm huyện chỉ leo lét mấy ngọn đèn. Đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu. Nghèo đến nỗi, toàn huyện Tu Mơ Rông chẳng có một cây xăng... Người dân muốn có xăng dầu phải chạy hàng chục Km đến huyện Đăk Tô để mua hàng chục lít về nhà trữ dùng dần.

Trao tặng sâm Quốc bảo để người Xơ Đăng làm giàu

Ngày 18/10, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum phối hợp UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trao tặng 10.000 cây sâm Ngọc Linh giống cho 262 hộ nghèo tại 8 xã trên địa bàn huyện này nhằm hưởng ứng Tháng hành động “Vì người nghèo”. Số cây sâm giống trị giá hơn 3 tỉ đồng.

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết hàng năm, doanh nghiệp tặng mỗi hộ 100 cây sâm Ngọc Linh giống để họ tự phát triển kinh tế.

“Năm nay, tặng một triệu cây giống thảo dược cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum. Đồng thời, chúng tôi cho bà con trong vùng đến vườn làm việc, học kỹ thuật gieo trồng. Chăm sóc để họ có thể tự phát triển vườn sâm của gia đình”, ông nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, vào thời điểm mới thành lập huyện, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức công tác ở huyện Tu Mơ Rông khi ấy được chuyển từ huyện Đắk Tô về, nhà cửa ở bên đó, một số không muốn xa gia đình. Nhiều cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế cơ sở.

Trước tình hình đó, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của huyện đã nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là thế mạnh về phát triển các loại dược liệu quý gắn với các loại hình du lịch để đưa vào nghị quyết và kêu gọi toàn dân cùng đồng lòng thực hiện các chỉ tiêu quan trọng nhằm phát triển kinh tế huyện nhà. Cả huyện đồng lòng bước vào công cuộc dựng xây, kiến thiết… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện từng bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Cũng theo ông Mạnh, thành tựu nổi bật trong thời gian qua là huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bước đi vững chắc. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, đặc biệt là sản phẩm “Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu đặc hữu, cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu đã và đang được hiện thực hóa khát vọng trên mảnh đất giàu truyền thống của những người con đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Vườn sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Tập trung xây dựng đường sá, hạ tầng

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, đến nay, đường giao thông đi các tới các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã bảo đảm được 2 mùa, nhiều khu sản xuất tập trung được đầu tư xây dựng, đường giao thông thuận tiện; nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Đến nay, có 99,3% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Từ việc đầu tư hạ tầng, kêu gọi xúc tiến đầu tư từ các lợi thế, thế mạnh của huyện, nên số lượng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư trên địa bàn ngày càng tăng. Chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, đã có 16 công ty khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện; đã có 5 doanh nghiệp lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư gần 1,5 nghìn tỉ đồng.

Có thể khẳng định, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với đại dịch COVID-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 60,270 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đạt được kết quả tích cực.

Công tác giảm nghèo đã huy động được nhiều nguồn lực để triển khai, bình quân mỗi năm giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 23,38%… Đã cơ bản xóa hết hộ đói.

Trung tâm hành chính huyện Tu Mơ Rông.

Ông Võ Trung Mạnh cho biết, chặng đường phía trước mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Tu Mơ Rông tranh thủ mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng.

“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện với trục xoay là: rừng, Sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch; Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; sản lượng cà phê đạt trên 2.470 tấn, mì đạt trên 28.220 tấn, sâm Ngọc Linh trồng đạt 1.210 ha (trong đó, nhân dân trồng khoảng 40ha) và các dược liệu khác trên 860 ha; tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 67%...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tu Mơ Rông tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình giao thông, thủy lợi... Tích cực triển khai nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Người đứng đầu chính quyền huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, 17 năm sau ngày thành lập huyện vùng cao Tu Mơ Rông, đã có sự đổi thay rõ rệt, diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể sẽ là nền tảng phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo.

Tạ Vĩnh Yên

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục