Huyện Cần Giờ là quận có vị trí độc lập, nằm về phía đông nam của TP.HCM. Đây là huyện duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển và có sông ngòi chằng chịt và có xã đảo duy nhất là xã Thạnh An.
Có cầu sẽ đưa Cần Giờ gần với trung tâm
Thiết kế cầu Cần giờ là cầu dây văng, mang hình ảnh cây đước, sẽ thay thế phà Bình Khánh
Hiện nay, người dân huyện Cần Giờ muốn di chuyển sang vào trung tâm TP.HCM hay các tỉnh khác, đều phải đi qua phà Bình Khánh nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Thời gian đi lại tính cả chờ phà khoảng 1 tiếng rưỡi, có khi phải 3 tiếng đồng hồ dịp cao điểm.
Những năm qua, TP.HCM cũng đã tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào huyện Cần Giờ. Điển hình như tuyến đường từ phà Bình Khánh về trung tâm thị trấn Cần Thạnh đã được mở rộng mỗi bên 4 làn xe, đón đầu cho sự phát triển trong tương lai.
Cùng với đó, tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu do Công ty cổ phần GreenlinesDP khai thác đã được cấp phép ghé qua Cần Giờ tại bến Tắc Suất. Điều này rất thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ và người dân làm việc trên đảo đi lại về trung tâm thành phố. Đầu năm 2021, tuyến phà nối giữa huyện Cần Giờ với TP Vũng Tàu cũng đã được đưa vào khai thác. Tuyến phà này không chỉ chở người mà còn chở những phương tiện lớn như ô tô.
Tất cả sự đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ thời gian qua đã phần nào rút ngắn khoảng cách giữa người dân nghèo huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các vùng lân cận.
Tuy vậy, cách trở đò ngang là một phần trở ngại đối với sự phát triển của vùng đảo đầy tiền năng này. Người dân huyện đảo Cần Giờ vẫn mong ngóng một cây cầu bắc qua sông thay thế cho phà Bình Khánh.
Ông Võ Văn Hải (ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) cho biết ngày nào cũng đi qua phà Bình Khánh vì công việc nên thấy rất bất tiện vì phải chờ đợi lâu. "Việc xây cầu thay phà tôi nghe thông tin từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa thấy gì. Có cầu, người dân đi lại thuận tiện, không phải chờ đợi phà nữa”, ông Hải mong ước.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu Cần Giờ và 3 cây cầu khác trong khu vực được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, cầu Cần Giờ có chiều dài 3,9km được đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng được đầu tư đề xuất trong giai đoạn 2023 - 2028.
Ngân sách Nhà nước tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 900 tỷ đồng. Cầu được xây dựng với kiến trúc cầu dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước. Thiết kế cầu đã có, chỉ cần ngân sách thành phố bố trí được sẽ đầu tư ngay.
Mở nhiều tuyến đường trong tương lai
Bên cạnh cầu Cần Giờ, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua Cần Giờ chuẩn bị đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ mở ra sức bật về hạ tầng cho huyện Cần Giờ.
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn đi "xuyên" Cần Giờ đang được thi công.
Theo quy hoạch giao thông huyện Cần Giờ, trong tương lai sẽ có thêm nhiều tuyến đường mới sẽ được mở giúp việc di chuyển của người dân trong khu vực được thuận lợi hơn.
Một số đường sẽ mở, cải tạo, mở rộng theo quy hoạch ở huyện Cần Giờ như: Đường cao tốc liên Vùng Phía Nam; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Duyên Hải; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Giồng Ao... Trong đó, dự án đường cao tốc liên Vùng phía Nam là một trong những dự án lớn của huyện Cần Giờ và cả TP.HCM nói chung.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện Cần Giờ cũng kiến nghị UBND TP cho phép lập các dự án đầu tư tuyến đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa với chiều dài toàn tuyến 24km, rộng 7,5m. Đây là dự án quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất người dân cũng như phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới. Nói về dự án trên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng đang được lên kế hoạch.
Huyện Cần Giờ rộng khoảng 70.000 ha, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của TPHCM, vừa có rừng, vừa có biển. Trong đó, rừng ngập mặn chiếm 45% diện tích của huyện. Đặc biệt, Cần Giờ có rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Cần Giờ có “tọa độ đặc biệt”, có lợi thế, tiềm năng mà không phải nơi nào cũng có. Điều này đòi hỏi phải mạnh mẽ đổi mới tư duy, xác định nhiệm vụ, giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, vừa phát triển Cần Giờ tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.