Mùa mưa, những con đường nhỏ ở huyện Kông Chro (Gia Lai) thường xảy ra hư hỏng nghiêm trọng nhất là ở các vùng đồng bào thiểu số.
Để nông sản bà con trong vụ mùa được lưu thông và không bị ép giá, việc tu sửa đường là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần phải được xử lý nhanh.
Sạt lở trên tuyến giao thông ở làng Hrách (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro).
Giao thông khó khăn, thương lái ép giá nông sản
Theo UBND huyện Kông Chro, toàn huyện có hơn 266 km đường giao thông nông thôn, trong đó 100 km đường bê tông xi măng, 3,6 km đường nhựa, 23 km đường cấp phối và 137 km đường đất.
Trong giai đoạn 2018-2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ xây dựng 6 cầu dân sinh bê tông cốt thép và 2 cầu treo ở các xã ở huyện Kông Chro.
Tuy nhiên, do địa hình có độ dốc lớn nên tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và thôn, làng vào mùa mưa bão thường xảy ra tình trạng bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc lưu thông, gây hạn chế trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá.
Điển hình như tuyến đường từ thị trấn Kông Chro đi xã Đak Tơ Pang, Đak Pling; đường liên xã Kông Yang-Đak Tơ Pang…
Ngoài ra, một số tuyến đường từ trung tâm các xã đến thôn, làng cũng thường xuyên bị ngập lụt. Vì thế, nông sản đến mùa mưa bão có nguy cơ hư hại khi không thể vận chuyển kịp. Đây cũng là tình trạng chung dẫn đến hàng hoá bị thương lái ép giá.
Ông Đinh Hlê (làng Hrách, xã Đak Kơ Ning) phấn khởi nói: Nhà tôi có 6 ha mì, bắp và lúa. Năm ngoái, mưa lũ đã làm tuyến đường này bị hư hỏng nặng.
Thời điểm đó, dù giá nông sản có tăng nhưng chi phí phát sinh nhiều nên lợi nhuận không đáng kể. Hiện nay, những đoạn này đang được Nhà nước đầu tư hoàn thiện, tôi cũng như bà con trong làng không còn lo lắng trong vụ thu hoạch mì sắp đến.
Sửa chữa đường vào làng Hrách (xã Đak Kơ Ning).
Huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế
Những khó khăn bởi đường sá hư hỏng luôn là trở ngại lớn trong phát triển kinh tế tại địa phương. Để đảm bảo cho người dân thuận tiện cho đi lại và phát triển kinh tế, hàng năm, huyện Kông Chro dành kinh phí 500 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ.
Theo thống kê của huyện Kông Chro, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai sửa chữa nhiều điểm sạt lở trên các tuyến giao thông.
Đặc biệt, với 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phòng-chống thiên tai tỉnh Gia Lai hỗ trợ, huyện đã cơ bản khắc phục hư hỏng trên đường vào làng Hrách (xã Đak Kơ Ning) do cơn bão số 12 năm 2020 gây ra.
Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố cống thoát nước, xây dựng lại nền đường giúp 212 hộ dân làng Hrách đi lại thuận lợi.
Ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning-cho biết: Tuyến đường từ trung tâm xã vào làng Hrách là tuyến giao thông huyết mạch trong vận chuyển nông sản của người dân.
Đây là một trong những khu vực có diện tích đất sản xuất lớn của xã. Nhờ sự quan tâm sửa chữa kịp thời, hiện nay, người dân làng Hrách đi lại và vận chuyển nông sản rất thuận lợi.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Nguyên Nam- Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đã góp phần làm thay đổi diện mạo và góp phần giúp vùng đồng bào thiểu số ở huyện phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế thì ở những xã vùng sâu vùng xa thì điều kiện đường sá vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, đường giao thông NTM đã làm từ nhiều năm trước đây cũng dần xuống cấp do thời gian. Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế, vận tải hàng hoá nông sản ngày một nhiều lên.
Để đảm bảo giao thông thuận lợi, những năm gần đây, huyện tập trung lồng ghép và huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện cũng dành một phần kinh phí để duy tu, sửa chữa, khắc phục kịp thời những tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở trong mùa mưa lũ.
“Thời gian tới, huyện tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ cấp trên và dành kinh phí đầu tư xây dựng thêm cầu dân sinh ở những khu vực thường xuyên bị ngập, sạt lở và chia cắt vào mùa mưa lũ để giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Đường sá thuận lợi thì hàng hoá lưu thông tốt, kinh tế ở vùng đồng bào thiểu số sẽ phát triển hơn”- Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thông tin thêm.