Người công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 160.000 giáo dân, sinh hoạt ở 28 giáo xứ. Hầu hết đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đồng hành với các phong trào của địa phương, góp phần xây dựng bộ mặt của tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đồng bào Công giáo ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đoàn kết xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội địa phương, sống "tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: N.H
Theo ghi nhận, người Công giáo tại các giáo xứ đã tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống "tốt đời, đẹp đạo”. Đồng thời, tích cực ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ người nghèo, xây dựng xã hội.
Ông Nguyễn Đình Thanh, giáo dân giáo xứ Thổ Hoàng (xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) cho biết: “Ở nơi đây 100% là đồng bào công giáo, vào lập nghiệp từ những năm 1980. Thời đó, giao thông đi lại khó khăn, quanh năm phải sống trong cảnh “nắng bụi mưa lầy” nên ai cũng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả.
Ngay khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, đã tạo được sự đồng thuận rất lớn trong đồng bào giáo dân, mỗi nhà đóng góp từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, đóng góp cả ngày công chung tay xây dựng “biến” đường đất thành những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Tính đến nay, cơ bản các đường liên xã, liên thôn trên địa bàn đạt 100% là đường nhựa hóa, bê tông hóa.
Những năm qua, cộng đoàn Công giáo ở Đắk Nông ngoài chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, còn ra sức thi đua sản xuất làm giàu cho kinh tế gia đình mình, hưởng ứng các cuộc vận động của xã hội, thực hiện lời kêu gọi của Giáo hội tích cực ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ người nghèo.
Ông Lê Trung Thành, giáo dân ở Giáo xứ Xuân Lộc (xã Đắk Sắk, Đắk Mil) chia sẻ: Gia đình có 10 ha cà phê, trồng xen sầu riêng nên hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, gia đình ông Thành đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng 2 trại heo quy mô 40.000 con. Hiện nay, cây trồng, vật nuôi mang về nguồn thu nhập hằng năm cho gia đình ông khoảng 6 tỷ đồng.
Ông đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, hằng năm, ông còn bỏ kinh phí hàng chục triệu đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện cho các hộ nghèo.
Tương tự, ông Mai Văn Giáo, giáo dân ở Giáo xứ Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, ngoài việc chăm lo kinh tế gia đình mình, năm vừa rồi ông đã vận động quyên góp được hơn 150 triệu đồng để xây nhà cho một hộ gia đình thuộc diện nghèo, có vợ câm điếc trong xóm.
"Thực hiện lối sống "tốt đời, đẹp đạo”, bản thân vừa chủ động để lao động sản xuất hiệu quả, vừa giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trong điều kiện và khả năng có thể", ông Giáo chia sẻ
Ông Cao Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho biết: “Đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Bà con giáo dân đồng thuận hướng về xây dựng các giáo xứ, giáo họ ngày càng phát triển theo tinh thần sống "tốt đời, đẹp đạo”.
Sống bác ái, chia sẻ hàng tỷ đồng với cộng đồng
Trong năm 2022, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, người hoạn nạn, người tàn tật, bệnh nhân nghèo…, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Đồng bào công giáo đóng góp tiền, ngày công "biến" những con đường đất thành đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Ảnh: N.H
Đơn cử, giáo dân Giáo xứ Quảng Phú (huyện Krông Nô) đã hỗ trợ kinh phí gần 1,3 tỷ đồng để xây dựng 15 căn nhà tình thương, sửa chữa 5 căn nhà cho người nghèo, trị giá 150 triệu đồng/căn; Giáo dân Giáo xứ Quảng Phúc (huyện Đắk Glong) đã giúp đỡ học sinh nghèo trên địa bàn 50 triệu đồng; giáo dân Giáo xứ Gia Nghĩa hỗ trợ học sinh nghèo 30 chiếc xe đạp; Trường mẫu giáo Thiên Ân, thuộc giáo xứ Quảng Phúc (Đắk Glong) miễn học phí cho 79 học sinh nghèo…
Ngoài ra, ở nhiều giáo xứ, giáo họ đã xây dựng nhiều mô hình như: lập quỹ xoá đói giảm nghèo, thành lập các tổ tương trợ để vay vốn, giúp nhau phát triển kinh tế...
Ông Phùng Công Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Krông Nô đánh giá: "Đồng bào Công giáo trên địa bàn đã nêu cao tinh thần "sống đạo giữa đời thường" qua những việc làm thiết thực, đóng góp xây dựng địa phương, xã hội rất nhiều mặt".
Theo ông Cao Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Nông, linh mục, tu sĩ, cộng đoàn Công giáo phát huy tinh thần “thực thi bác ái là loan báo Tin mừng”. Nhiều năm qua, cộng đoàn Công giáo đã hưởng ứng các cuộc vận động của xã hội, thực hiện lời kêu gọi của Giáo hội tích cực ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ người nghèo, xây dựng xã hội.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, người Công giáo tại các giáo xứ đã tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống "tốt đời, đẹp đạo”. Hằng năm, tỷ lệ gia đình Công giáo văn hóa, khu dân cư Công giáo văn hóa đều tăng. Các Linh mục quản xứ thường xuyên khuyên bảo, động viên giáo dân luôn giữ an ninh trật tự, xây dựng lối sống lành mạnh, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng hướng tới việc làm tốt, mang lại lợi ích chung.
Cũng theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông những năm qua, hầu hết bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng bào Công giáo đang thi đua, đoàn kết, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Nông.
Thời gian qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, tình hình hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực, tuân thủ theo quy định của pháp luật, quy định của Giáo hội; chức sắc, tín đồ thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, người Công giáo tỉnh Đắk Nông đã đóng góp hơn 28 tỷ đồng tiền mặt và hàng ngàn ngày công cùng với chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn.