Cơ chế nào để kéo gần khoảng cách thu nhập đồng bào vùng cao và phố thị?

Phùng Đô

Cơ chế đặc biệt, đặc thù sẽ phát huy sự chủ động, năng động của các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, từ đó nâng cao mức sống người dân.

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có 1.551 xã đặc biệt khó khăn phân bố tại 39 tỉnh và 2.027 thôn đặc biệt khó khăn phân bố ở 40 tỉnh (ảnh minh hoạ)

Cần có cơ chế đặc thù

Đại biểu Quốc hội Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cho rằng, những nghiên cứu sâu và thực tế cũng chỉ ra rằng tốc độ giảm nghèo, mặt bằng giáo dục và trình độ dân trí, mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục của đồng bào thiểu số miền núi là rất thấp so với mặt bằng chung.

"Kết quả này một mặt xuất phát từ điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi, phong tục tập quán văn hóa khác nhau... Mặt khác nó cũng xuất phát từ định hướng xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, để đạt được mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, chúng ta cần tích hợp nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, trong quyết định đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần tập trung nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt các nguồn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy hiệu quả, tránh cái mà chúng ta thường nói cửa miệng là "đầu tư manh mún, đầu tư dàn trải, gây lãng phí".

Đại biểu Quốc hội Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên)

"Phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho phép phát huy sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn này trong thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong chủ động kêu gọi thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh mình theo tư duy nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo ra những ưu đãi đủ sức hút, đủ lực hấp dẫn trong đầu tư PPP, kể cả mở ra cơ hội đầu tư BT", Thượng tọa Thích Đức Thiện đề xuất.

Tiếp đến là cần nhanh chóng thực hiện sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết những vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số về tình trạng thiếu đất sản xuất, kể cả đất ở. Giải quyết các vấn đề về đất rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng là hết sức cấp thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Đại biểu Quốc hội Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng, chúng ta cần ưu tiên quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng điện, nước sinh hoạt và hạ tầng công nghệ thông tin tại các vùng đặc biệt khó khăn này.

"Bởi chính sự đầu tư này sẽ dẫn dắt, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tạo ra cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa nông nghiệp có các sản phẩm giá trị cao, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước, cả thị trường quốc tế. Đồng thời, góp phần tích cực nâng cao dân trí đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an ninh, quốc phòng và xây dựng đường biên giới hòa bình", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

"Cho cần câu hơn là cho con cá"

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì cho rằng, để thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu giúp vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, phải hướng đến mỗi chính sách, mỗi lĩnh vực chỉ có một đầu mối.

"Đặc biệt, cần phải chuyển dần từ chính sách hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp bằng những bước đi cụ thể", ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, cần phân định nhóm dân tộc thiểu số có trình độ thấp với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ trung bình và nhóm dân tộc thiểu số có trình độ tương đối cao để từ đó có những chính sách phù hợp.

"Nhóm dân tộc thiểu số có trình độ tương đối cao chúng ta có thể bỏ hoàn toàn chính sách hỗ trợ trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ gián tiếp. Với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ trung bình, phải vừa hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, vừa hỗ trợ sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm theo tiểu vùng, dự án", ông Hòa nói.

Còn đối với nhóm dân tộc thiểu số có trình độ thấp vẫn phải thực hiện hỗ trợ trực tiếp như chính sách y tế, giáo dục, tín dụng, vì đây là vùng quá khó khăn, đồng bào dân tộc chỉ có thể sản xuất bằng hình thức tự cung, tự cấp.

"Tuy nhiên, hỗ trợ đối với các đối tượng phải có điều kiện, không hỗ trợ quá 5 năm, để tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đồng thời, tạo sự chủ động trong thoát nghèo", đại biểu đến từ Đồng Tháp nói.

Ông Hòa cũng cho rằng, giảm nghèo bền vững rất cần thiết phải có cơ chế, chính sách để người dân biết tự vươn lên bằng tăng gia sản xuất, kinh doanh.

"Như chúng ta hay nói là "cho cần câu sẽ hay hơn là cho con cá", giảm nghèo bền vững cũng vậy, cần phải có những chính sách, giải pháp giúp người dân tự mình vươn lên, không ỉ lại", ông Hòa nêu quan điểm.

Phùng Đô

Cùng chuyên mục