Lạng Sơn vượt khó bảo đảm tiến độ các dự án GTNT tại địa bàn miền núi

Bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, chính quyền và người dân Lạng Sơn vẫn có nhiều cách làm sáng tạo, hoàn thành các công trình GTNT.

Huy động sức dân làm đường GTNT

Theo Sở GTVT Lạng Sơn, năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn giao các chủ đầu tư cấp tỉnh và UBND các huyện triển khai 170 dự án hạ tầng giao thông gồm: Khởi công mới 104 dự án; chuyển tiếp 66 dự án với tổng kế hoạch vốn giao hơn 1.260 tỷ đồng.

Người dân huyện Chi Lăng, Lạng Sơn tham gia làm đường GTNT.

Trong đó, khối các huyện, thành phố được giao thực hiện 160 dự án; ban quản lý cấp tỉnh và các sở chuyên ngành thực hiện 10 dự án, là các công trình trọng điểm có tính kết nối cao, sức lan toả rộng.

Đơn cử, UBND huyện Chi Lăng là một trong những đơn vị thực hiện nhiều công trình giao thông trong năm 2021 với 18 công trình đường GTNT khởi công mới và 2 công trình chuyển tiếp.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Chi Lăng là huyện có tỷ lệ cứng hoá đường GTNT, miền núi còn thấp, do đó, nhu cầu cứng hoá các tuyến đường liên xã, trục xã là rất cao. Trong năm 2021, nhiều công trình giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới được tỉnh phê duyệt đầu tư nhưng nguồn vốn lại chưa được bố trí kịp thời dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai.

Nhiều tuyến đường nông thôn, miền núi tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn được cứng hóa giúp người dân đi lại, phát triển kinh tế, xã hội.

Để khắc phục khó khăn về vốn, một mặt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến các khu dân cư, vận động người dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, mặt khác, huyện bố trí nguồn vốn khác từ ngân sách huyện, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ứng trước kinh phí vật tư, vật liệu, ca máy để thực hiện các công trình hạ tầng GTNT, miền núi.

Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã huy động người dân đóng góp được 5,9 tỷ đồng và hiến trên 6.000 m2 đất để mở rộng nền đường. Trong 18 công trình đường GTNT khởi công mới, có 15 công trình đã hoàn thành, 3 công trình đang thi công cơ bản hoàn thành; 2 công trình chuyển tiếp khối lượng thực hiện đạt trên 80% kế hoạch, đáp ứng tiến độ đề ra.

Tại các huyện, thành phố khác, việc huy động nguồn lực xã hội hoá từ sức dân, doanh nghiệp và lồng ghép các nguồn vốn ngân sách để thực hiện các công trình hạ tầng GTNT cũng đạt hiệu quả cao. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã huy động người dân đóng góp được hơn 40 tỷ đồng để xây dựng các công trình GTNT, miền núi.

Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông miền núi

Đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng yêu cầu, việc huy động nhân công, thiết bị máy móc, vật tư gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều dự án khởi công mới vẫn theo đúng kế hoạch và đảm bảo tiến độ như: Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km 13 đến Km 18; đường thị trấn Chi Lăng đến trung tâm xã Y Tịch; đường Khuổi Lào - Yên Lỗ (huyện Bình Gia); đường Đô Lương - Minh Sơn (huyện Hữu Lũng)… Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần bảo đảm lưu thông góp phần giảm TNGT trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 110 công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác; 60 công trình đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Trong đó, các công trình giao thông trọng điểm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2021, mặc dù việc triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh và sự chung tay của các doanh nghiệp xây dựng cũng như người dân, các mục tiêu đều thực hiện đạt kế hoạch đề ra.

Đến cuối năm 2021, số xã có đường đến trung tâm được cứng hoá đạt 164/181 xã, tương đương 90,6% (cuối năm 2020 là 160/181 xã), hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bước sang năm 2022, Sở sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh khởi công 8 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính kết nối liên vùng, phấn đấu hoàn thành xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng mới 350 km đường GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 181/181 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá, điều này không chỉ tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại mà còn kỳ vọng tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã đề ra.

Cùng chuyên mục