Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xoá "điểm đen"
Xác định xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu TNGT, nhiều năm qua, các đơn vị chức năng đã có các giải pháp khắc phục, xử lý, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, nhất là tại địa bàn các tỉnh miền núi.
Điểm đen TNGT Km41+600 - Km55+650 QL4A tỉnh Lạng Sơn đã được xử lý
Điển hình như tại Km 45+800 trên tuyến quốc lộ 4A đoạn qua xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. "Điểm đen" TNGT này nằm trên đoạn tuyến thuộc địa hình miền núi, có hai đường cong nằm ngược chiều liên tiếp, bán kính đường cong nhỏ, khuất tầm nhìn…do đó, đã có nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra.
Sở GTVT Lạng Sơn đã khắc phục bằng việc điều chỉnh cục bộ đoạn tuyến, cải thiện độ dốc, giải tỏa hành lang, đảm bảo tầm nhìn, sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và bổ sung hệ thống biển báo ATGT. Đầu năm 2020, công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó, tình trạng mất ATGT tại vị trí này đã được cải thiện.
Anh Nông Văn Hùng, người dân sống gần khu vực này cho biết, trước đây, đoạn đường này thường xuyên xảy ra va chạm, TNGT giao thông, có tháng có đến 2 vụ liền nhau. Khi “điểm đen” này được cải tạo và hoàn thành, từ cuối năm 2019 đến nay, nơi đây chưa xảy ra vụ va chạm, TNGT nào.
Theo thông tin của Báo Giao thông, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã đầu tư cả trăm tỷ đồng xử lý dứt điểm hơn 50 điểm đen TNGT trên các tuyến quốc lộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu... trên các tuyến quốc lộ. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ VN đã dành nguồn vốn khoảng 400 - 500 tỷ đồng bố trí cho các địa phương thảm nhựa, nắn đường cong mặt đường, xây dựng dốc cứu nạn, lắp đặt hộ lan tôn sóng hoặc lốp cao su, thay thế biển báo hiệu, điều chỉnh thiết bị ATGT, tán đinh phản quang, sơn đường, trồng cây xanh.
Tương tự, đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum) nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh - một trong những con đèo nguy hiểm nhất Việt Nam bởi địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, vực sâu và nhiều đoạn quanh co khuất tầm nhìn cũng là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn thương tâm. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2005 - 6/2018 trên đoạn đường này đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng nhiều phương tiện.
Để đảm bảo ATGT, xóa “điểm đen” TNGT trên đoạn đèo Lò Xo, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã có nhiều chuyến khảo sát, lên phương án xử lý. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp lắp đặt 13 đoạn hộ lan bằng lốp cao su cố định trên những đoạn đường cong có độ dốc lớn đoạn qua địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; Sửa chữa, bổ sung 19 hốc cứu nạn, 2 đường cứu nạn; mở rộng 87 vị trí đường cong, bạt mái ta-luy, hạ thêm tầm nhìn tại 58 đường cong, xây dựng làn đường hãm xe tại 12 vị trí.
Với những nỗ lực của Tổng cục Đường bộ và ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đèo Lò Xo từ một cung đường ám ảnh về tai nạn giao thông, đến nay đã đảm bảo an toàn, số vụ tai nạn tại đèo Lò Xo đã giảm hẳn, năm 2019 và năm 2020 khu vực này đã không xảy ra vụ TNGT làm chết người.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc xóa các điểm đen góp phần đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, kéo giảm TNGT.
Theo ông Lăng, những vụ tai nạn xảy ra chủ yếu người điều khiển phương tiện không chấp hành đúng quy định về đảm bảo ATGT. Việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, chứ không phải xóa “điểm đen” là sẽ hết tai nạn. Ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông vẫn giữ vai trò quyết định.
"Tổng cục Đường bộ đang tiếp tục xây dựng và triển khai giải pháp nâng cao ATGT cho các tuyến đường, chú trọng vào các đoạn đèo dốc trọng điểm trên các quốc lộ qua các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ", ông Lăng cho hay.
Giao thông miền núi êm thuận, an toàn hơn
Từ năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập. Từ nguồn vốn này, hàng năm, các địa phương miền núi có thêm điều kiện để sửa chữa kịp thời hư hỏng; nâng cấp, cải tạo, cứng hóa các tuyến đường, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi, an toàn, kéo giảm TNGT và góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ và khả năng khai thác của hệ thống hạ tầng giao thông.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN cho thấy, hệ thống đường bộ Việt Nam có hàng chục nghìn km quá hạn, chưa được đầu tư do thiếu vốn. Nhiều tuyến đường đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường không êm thuận, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều.
Khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách trong việc cân đối bảo trì.
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, từ nguồn vốn của Quỹ, đến nay đã sửa chữa trên gần 77.000 m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu, xử lý trên gần 1000 điểm đen, điểm mất ATGT; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa cải tạo 137.000 m cống và hơn 1.370.000 m rãnh thoát nước; gia cố lề, mở rộng hơn 1.000 km mặt đường.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Cả nước còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND xã; hơn 100 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa. Nhiều xã đường đến trụ sở UBND chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ.
"Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu có trên 85% số xã đạt tiêu chí chuẩn về giao thông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành việc xây dựng đường ô tô từ huyện đến trung tâm 13 xã còn lại; nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 90%, các loại đường từ đường xã trở xuống đạt trên 85% trên cả nước.
Bên cạnh nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ đã được hòa vào ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trong nước và kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư, tài trợ các địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển giao thông nông thôn, miền núi", ông Lê Hồng Điệp cho hay.