Nhiều năm nay, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành một hiện tượng phức tạp, tạo ra những hệ lụy xấu cho gia đình lẫn xã hội. Nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các ngành các cấp đã phần nào giảm bớt tình trạng này...
Lan tỏa nét đẹp văn hoá, phong tục độc đáo của đồng bào Tây Nguyên sẽ giúp đời sống tinh thần của bà con phong phú hơn
Tìm đến cái chết...
Đã 2 năm trôi qua, chị Đinh Thị A.L. (người Bana trú ở huyện Kbang) không còn bóng dáng người đàn ông tưởng chừng sẽ trăm năm hạnh phúc của đời mình. Nỗi buồn lan ra khi nhắc đến câu chuyện cũ, chị A.L kể: “Cuối tháng 4 năm ngoái. Chồng mình đi uống rượu suốt ngày rồi buồn lấy chai thuốc cỏ cháy ra uống. Dù được phát hiện nhưng khi đưa đi cấp cứu thì bác sĩ bão là không kịp nữa rồi”.
Chị L. kể câu chuyện buồn của mình và luôn dằn vặt “có lẽ do chị ngăn chồng uống rượu”. “Mình bảo chồng là không uống nhiều rượu. Lo đi làm để còn lo cho các con. Nào ngờ đâu, sau đó chồng lấy thốc diệt cỏ uống”, chị L. nói.
Sau cái chết của người đàn ông trụ cột, gia đình này như kiệt quệ hơn. Vợ chồng chị A.L có với nhau 7 người con. Đứa bé nhất vừa tròn 2 tuổi. Cuộc sống khó khăn, nay lại càng trở nên quẫn bách. “Bây giờ cũng chẳng biết phải làm sao nữa. Cũng phải cố gắng thôi...”.
Cũng chọn cách giải thoát tiêu cực như thế, nhưng chị Đinh Thị H. (cùng huyện này) may mắn hơn khi tự tử ... không thành.
Những người cùng làng đã kể về câu chuyện chị H. sau một lần giận dỗi đã chạy đến cầu rồi gieo mình xuống dòng nước. Chị H. được cứu sống nhưng đôi chân của chị thì không còn đứng được nữa.
Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, mọi việc phải nhờ gia đình giúp. Ngồi trên xe lăn và nhìn đôi chân không bất động. Giờ đây, mỗi lần nhìn người làng, nhìn những đứa trẻ chơi đùa chị H. hối hận về hành động nông nổi của mình.
Từ năm 2016 đến tháng 8/2020, trên địa bàn huyện Kbang xảy ra 201 vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm chết 175 người.
Thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Kbang cho biết, có trên 80% số vụ tự tử liên quan đến người đã sử dụng rượu bia hoặc mâu thuẫn không thể giải quyết. Không chỉ riêng Kbang, mà nhiều địa phương khác tại tỉnh này như: Kông Chro, Mang Yang, Krông Pa.... từ lâu đã trở điểm nóng của nạn tự tử.
Nguyên nhân của tự tử trong đồng bào thiểu số do nhận thức của người dân vẫn còn có hạn. Đặc điểm tính cách, tâm lý của người dân tộc thiểu số họ sống bộc trực, trọng tình nghĩa, trọng danh dự.
Mặt khác, người đồng bào cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín.
Và khi không có sự chia sẻ với gia đình để giải quyết những khúc mắc cá nhân, khi bế tắc là chọn cách giải thoát bằng cách tự tử. Nhiều trường hợp tự tử với lý do rất đơn giản như... con đòi mua xe máy mà cha mẹ không cho tiền, hoặc bị cha mẹ mắng...
Lan toả cuộc sống tươi đẹp
Nhiều xã ở Gia Lai đã nhân rộng mô hình “Làng nói không với nạn tự tử”. Đặc biệt, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không uống rượu nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tư tưởng, tâm lý, giảm tai nạn giao thông.
Các hội, đoàn thể phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình không có người tự tử; thực hiện xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “đơn vị văn hóa”.
Đặc biệt, đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bám sát địa bàn dân cư; tuyên truyền, giải thích, vận động, hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn trong người dân.
Ở các địa phương cũng thành lập các tổ hòa giải, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, tổ hòa giải ở các thôn, làng để nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn trong dân ngay khi mới phát sinh để tháo gỡ mâu thuẫn, hoặc động viên người dân.
Các địa phương còn cử cán bộ bám làng, rà soát, thống kê các tập tục lạc hậu để xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động xóa bỏ; phân loại những nhóm đối tượng có nguy cơ tự tử để có giải pháp phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền vận động, triển khai các mô hình can thiệp tại cộng đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ lãnh đạo công tác tại Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: “Để hạn chế người đồng bào tự tử thì các cấp bộ đoàn cùng với các đơn vị địa phương thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền tại địa phương”.
“Các hoạt động này nhằm để người dân tại địa phương, cộng đồng đồng bào dân tộc thấy cuộc sống rất tươi đẹp. Mỗi người trong gia đình phải chia sẻ với nhau, sống tích cực và cùng nhau giải toả những bức xúc để rồi hoá giải những xung đột”.
Cũng theo cán bộ này, có nhiều thanh thiếu niên tại địa phương còn tạo những cảm hứng cuộc sống trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các các kênh Youtube, qua các mạng xã hội Facebook, Zalo.
Nhiều thanh thiếu niên biết sử dụng điện thoại, máy tính để dàn dựng những video âm nhạc, cuộc sống vùng đồng bào, những vũ điệu cồng chiêng, ẩm thực...
"Các bạn trẻ đã chia sẻ nếp sống đẹp, phong tục đẹp trong văn hoá cộng đồng được nhiều người yêu thích”, cán bộ này nói đồng thời cho rằng: “Nhiều hoạt động phong trào Đoàn thanh niên trong cộng đồng đã phần nào làm cho thế hệ trẻ người đồng bào dân tộc dần tự tin hơn, cởi mở hơn...”
Trao đổi với Báo Giao thông, một cán bộ công tác tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình trạng người dân tự tử, Mặt trận và các cơ quan đoàn thể tại các địa phương đã có những kế hoạch, hành động cụ thể nhằm giảm kéo giảm nạn tự tử này.
Theo cán bộ này, cách làm là “mưa dầm thấm lâu”, tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có tác động tích cực đến nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về công tác dân tộc.
Một giải pháp khác đó là tạo công ăn việc làm như cho vay vốn, hướng nghiệp, xúc tiến việc làm, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề để người dân ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các địa phương hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; tuyên truyền bài trừ các tập tục lạc hậu, nạn lạm dụng rượu bia để nâng cao nhận thức của người dân.
Song song với xây dựng, củng cố hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Câu lạc bộ “Cuộc sống là vốn quý” ở thôn làng, huyện sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các già làng, người uy tín trong cộng đồng; các chi hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên để họ cùng chung tay kéo giảm vấn nạn tự tử.
Cũng theo vị cán bộ này, những năm qua với sự vào cuộc của địa phương, tình trạng tự tử ở Gia Lai cũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động kịp thời ngăn chặn và hạn chế thấp nhất nạn tự tử, góp phần ổn định đời sống nhân dân tại Gia Lai.