Những kho tàng vô giá
Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực ĐBSCL. Nhiều nhất ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ...
Nét đẹp cổ kính của các ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh.
Tại Trà Vinh, cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.
Họ cũng có nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á.
Mỗi năm, đồng bào Khmer có 3 lần tết và lễ hội lớn, gồm: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay mừng năm mới; Lễ hội Ok om bok, còn gọi là Lễ cúng trăng; và Lễ hội Sene Dolta.
Đặc biệt là 143 ngôi chùa Khmer, với kiến trúc vô cùng độc đáo. Hay những di tích hiện hữu như ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa Khmer và chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất của Trà Vinh... Tất cả đã tạo thành nguồn tài nguyên du lịch vô giá cho tỉnh này.
Đó cũng là cơ sở để Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” ra đời và phát triển.
Trà Vinh sở hữu kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Duy Quang.
Làng Văn hóa nằm cách trung tâm TP Trà Vinh 3km. Bước chân vào làng, du khách sẽ được hòa mình vào nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer lâu đời, lan tỏa bằng hình thức du lịch cộng đồng.
Đến đây, du khách được tham quan những bức bích họa sinh động về lễ hội truyền thống, nghề thủ công và những nét sinh hoạt thường ngày của đồng bào Khmer cùng với truyền thuyết về các vị thần trong văn hóa Khmer trên “Con đường ánh sáng”.
Du khách thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian Khmer như dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay-dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề, ẩm thực. Tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mão, mặt nạ truyền thống, ăn các món ăn đặc sản dân tộc Khmer, đến vườn ước nguyện (chùa Lò Gạch) để gửi gắm những ước mơ tại cây ước nguyện, trải nghiệm buộc chỉ đỏ cầu may mắn - một phong tục của người Khmer...
Vươn lên từ những giá trị của cha ông
Từ khi làng văn hóa du lịch Khmer đi vào hoạt động có tới 46 hộ dân tham gia làm du lịch. Họ coi đây là cơ hội quảng bá văn hóa của dân tộc mình, đồng thời xem đó là nguồn thu nhập ổn định, cao hơn nhiều so với làm ruộng.
Nhiều sinh viên người Khmer khi ra trường đã tìm được công việc yêu thích, có thể gắn bó lâu dài trên chính mảnh đất quê hương. Tham gia dự án, các thành viên được hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi gia đình khi đầu tư homestay.
Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ thêm 50% trên khoản lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 36 tháng, định mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ.
Hoạt động tại một lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh. Ảnh: Duy Quang
Gia đình ông Thạch Sang (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm qua sống bằng nghề trồng lúa với nguồn thu nhập bấp bênh. Gần đây, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc.
Ông kể: Từ năm 2019, tỉnh Trà Vinh cho ra mắt Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”. Gia đình ông và nhiều hộ dân khác được vận động tham gia làm du lịch. Công việc của ông chỉ đơn giản là tái hiện lại cách giã cốm dẹp - một món ăn truyền thống của người Khmer.
“Nếu làm ruộng hoặc làm vườn, ba tháng người nông dân mới thu hoạch một lần. Công việc hiện nay cho tôi thu nhập có khi lên tới 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày.
Tôi rất vui mừng vì cuộc sống không chỉ khá hơn, mà còn có thể gìn giữ những giá trị văn hóa của tổ tiên, cha ông để lại”, ông Sang nói.
Tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn và gìn giữ văn hóa đồng bào Khmer. Ảnh: P.V
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phene ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) phấn khởi nói: “Gia đình tui trực tiếp tái hiện các tiết mục văn nghệ truyền thống của người Khmer như múa Rô băm, múa chằn, đánh đàn Tà Khê... với mũ mão, mặt nạ, đạo cụ và nhạc cụ dân tộc do tôi chế tác.
Ngoài ra, còn nhiều gia đình tái hiện lại cảnh giã cốm dẹp, làm bánh ống... những món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer để phục vụ du khách. Vì thế đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định”.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh cho biết: "Với quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer Nam Bộ, Trà Vinh thực hiện Dự án “Làng Văn hóa, du lịch Khmer” với tổng vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng được xây dựng tại phường 8 (TP Trà Vinh) và xã Lương Hòa (huyện Châu Thành)".
Dự án được quy hoạch tổng thể thành 7 phân khu chính: ao Bà Om; Chùa Âng; Nhà bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường Pali; Làng Văn hóa dân tộc Khmer, chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo. Theo đó, có các phân khu chức năng với nhiều hoạt động và dịch vụ đa dạng, phong phú: chợ đêm thương mại, khu ẩm thực quảng bá các món đặc sắc trong văn hóa Khmer; khu sáng tác nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật; khu nhà cổ…
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và từng bước cải tiến các sinh hoạt lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer, bảo đảm tính văn hóa, mang nội dung tiến bộ, lành mạnh, vui tươi và thật sự tiết kiệm.
Việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc luôn được coi trọng. Đặc biệt, phục hồi lại các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một gắn với phát triển du lịch…
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết, nếu có một dự án tốt, một khu công nghiệp tốt, nhưng hạ tầng lại không đảm bảo thì cũng không thể phát huy tác dụng. Chính vì vậy thời gian qua, tỉnh luôn xem giao thông là huyết mạch, là tiền đề để tháo gỡ các điểm nghẽn, mở đường cho phát triển.
Đến nay, tỉnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành thông luồng kỹ thuật, như luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, cảng nhập than cho tàu 30.000 tấn; hoàn thành nâng cấp sửa chữa QL60, QL53, 54; xây dựng bến cảng tổng hợp Định An, cảng biển Trà Cú…
Từ đó tỉnh đã từng bước phát triển. Đến nay, 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú; 100% xã phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Trà Vinh có sự chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Ước đến nay, hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm xuống dưới 4%, trong khi tỷ lệ này của năm 2015 là 23,12%.