Chuyển từ Tháng sang Năm An toàn giao thông
Từ năm 1997, Chính phủ lấy tháng 9 là tháng cao điểm về ATGT. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay không còn thực hiện tháng An toàn giao thông mà được chuyển thành thực hiện Năm An toàn giao thông với các chủ đề khác nhau.
Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Tháng An toàn giao thông hàng năm được thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Mục đích, ý nghĩa của Tháng An toàn giao thông là gì?
Ngày 1/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 718 quy định “Lấy tháng 9 hàng năm làm Tháng An toàn giao thông”.
Tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm thực hiện đảm bảo ATGT, phổ biến kịp thời, sâu rộng đến mọi người dân về thực trạng, những thiệt hại tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Bên cạnh đó, tháng ATGT cũng nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành của mỗi cá nhân và cộng đồng thực hiện các quy định về trật tự ATGT; thực hiện nghiêm các quy định bắt buộc trong vận chuyển hành khách, hàng hoá và quy định đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy khi tham gia giao thông
Tháng An toàn giao thông cũng nhằm đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục con em, học sinh thực hiện các quy định về ATGT. Bên cạnh đó, phản ánh và đề xuất kịp thời các hình thức, biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm của người điều khiển phương và các hình thức, biện pháp xử lý đối với người vi phạm.
Những nội dung chính được thực hiện trong Tháng An toàn giao thông là gì?
Những năm trước 2013, Tháng An toàn giao thông tập trung thực hiện toàn diện các vấn đề của công tác đảm bản ATGT. Nội dung của tháng An toàn giao thông tập trung cho công tác tuyên truyền, mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động xây dựng “văn hóa giao thông”, tuyên truyền theo chủ đề “quy tắc giao thông”, “đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, “tác hại của rượu bia với an toàn giao thông”.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền trong các nhà trường, thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, tổ dân phố, kết hợp tuyên truyền với cưỡng chế.
Trong tháng An toàn giao thông cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung xử lý các lỗi như: vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm về sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm… Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra các vi phạm trật tự ATGT.
Những năm gần đây, chúng ta không thực hiện Tháng An toàn giao thông mà chuyển qua thực hiện Năm An toàn giao thông, vì sao lại như vậy, thưa ông?
Đúng vậy, từ năm 2013 chúng ta không thực hiện tháng cao điểm về ATGT mà chuyển sang thực hiện Năm An toàn giao thông. Từ năm 2013 đến nay chúng ta chỉ thực hiện Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Tháng 9 là tháng học sinh trên cả nước bước vào năm học mới. Thực hiện “Tháng an toàn giao thông” nhằm tăng cường giáo dục nâng cao ý thức văn hóa giao thông, Luật Giao thông cho học sinh, sinh viên.
Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tích hợp trong giảng dạy chính khóa về ATGT và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm về “văn hóa giao thông”, “kỹ năng tham gia giao thông an toàn” cho học sinh. Hướng dẫn học sinh các kỹ năng tham gia giao thông an toàn và các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy.
Cùng đó, tập trung tuyên truyền đến cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy; không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học; giám sát việc thực hiện cam kết của cha mẹ, học sinh.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra trên các tuyến đường gần các trường học, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT liên quan đến trẻ em, tập trung xử lý hành vi người lớn chở trẻ em đi mô tô, xe máy, xe điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định.
Luôn tuân thủ Luật, kéo giảm TNGT
Vậy ông nhìn nhận thế nào về tình hình ATGT hiện nay?
Dù đã có những đợt tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm vi phạm nhưng hàng năm số vụ TNGT vẫn là vấn nạn của mọi người, mọi gia đình. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới hàng nghìn vụ và số người chết do TNGT.
Báo cáo của Ủy ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù trong thời gian dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, năm 2021, toàn quốc xảy ra gần 11.500 vụ TNGT, làm chết gần 5.800 người, bị thương hơn 8.000 người. So với 12 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm gần 3.500 vụ, số người chết giảm gần 1.100 người, số người bị thương giảm hơn 3.100 người.
Tuy vậy, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình. Trong đó, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình. Bên cạnh đó, còn xảy một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng.
Thông thống kê cho thấy, nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn phần lớn là do thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông như: lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm. Tình trạng vượt đèn đỏ, uống rượu bia say, chở quá tải, quá tốc độ trong thời gian qua vẫn luôn ở mức báo động.
Theo ông để kéo giảm TNGT, thời gian tới chúng ta cần làm gì?
Trong bất cứ xã hội nào, tính mạng con người được xem là quan trọng nhất. Do đó, tai nạn giao thông xảy ra thường làm đau lòng người. Bởi đằng sau những tai nạn đó là những cái chết oan uổng, sự mất mát lớn lao của mỗi gia đình khi không còn cha, mẹ, anh em, vợ chồng và kéo theo nhiều hệ lụy xót xa. Còn người gây ra tai nạn cũng lâm vào cảnh khốn đốn, vừa ngồi tù vừa phải lo tiền bạc để bồi thường.
Mọi người hãy ghi nhớ và khi ra đường cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về ATGT. Tai nạn giao thông là điều không ai muốn, nhưng thảm họa này có thể tránh được, tính mạng bao người có thể cứu được nếu như ai cũng tuân thủ Luật Giao thông, khi điều khiển xe không nên dùng rượu bia hoặc phóng nhanh hay vượt ẩu.
Nhiều chương trình tuyên truyền ATGT cho đồng bào dân tộc
Như ông nói, Tháng An toàn giao thông thực hiện toàn diện các vấn đề đảm bảo ATGT. Đối với các tỉnh miền núi, vùng đào bào dân tộc có tính chất đặc thù, chúng ta có tổ chức riêng Tháng ATGT ở vùng này?
Chúng ta không tổ chức Tháng An toàn giao thông riêng cho bà con vùng này mà căn cứ vào kế hoạch chung của cả nước và tính chất đặc thù, các địa phương triển khai hình thức phù hợp.
Trong đó, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng, khi tuyên truyền cho người dân, đặc biệt cho cộng đồng người dân tộc thiểu số, cần chú trọng đến tuyên truyền cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về đảm bảo ATGT. Qua đó, họ sẽ tuyên truyền, vận động con em đồng bào ở địa phương, cộng đồng tôn giáo nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ.
Để những hiểu biết ấy thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất cần sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm thiểu TNGT.
Vậy với các vùng dân tộc, miền núi, chúng ta có chương trình gì để đưa pháp luật ATGT đến với bà con?
Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức "Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc". Trong đó, đã diễn ra lễ ký cam kết “Tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc tham gia công tác đảm bảo trật tự ATGT”. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng trao tài liệu tuyên truyền ATGT cho Ban ATGT các tỉnh trong khu vực.
Chương trình chính được tổ chức với hình thức kết hợp sân khấu hoá, giao lưu giữa những người tham dự với những tấm gương điển hình trong công tác bảo đảm ATGT, gặp gỡ các gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp tổ chức tập huấn về sơ cứu TNGT; thi tìm hiểu pháp luật ATGT cho thanh, thiếu niên.
Ngoài ra còn có hoạt động diễu hành tuyên truyền ATGT; Triển lãm tranh về ATGT; tập huấn kiến thức và thi lái mô tô, xe máy an toàn; Ngày hội chăm sóc xe Honda; tập huấn sơ, cấp cứu nạn nhân TNGT.
Từ những hoạt động đó nhằm mục đích phổ biến và tạo sự lan toả những thông điệp kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc khu vực miền núi cùng chung tay thực hiện quy định pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông.
Cảm ơn ông!