Chờ đợi cả năm vẫn phải đu dây vượt sông Pô Cô đi rẫy vì cầu mới xong... mố

Văn Tư

72 hộ dân 2 xã Đăk Nông, Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) đã đồng lòng hiến đất để làm cầu từ năm 2020 nhưng vẫn phải đu ròng rọc để vượt sông Pô Cô.

Cuối tháng 7, trở lại thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, PV Báo Giao thông bắt gặp cảnh 2 mẹ con đang treo mình trên chiếc ròng rọc đu qua sông Pô Cô để đi làm rẫy.

Đã quá quen thuộc với "công đoạn" này khi đi rẫy nên chỉ trong vài phút 2 mẹ con đã sang đến bờ bên kia.

Một ngày anh Hạnh phải đu dây hàng chục lần để đưa nông sản, thực phẩm qua sông

Một lát sau, anh Lê Chứ Hạnh (thôn Nông Nội, xã Đăk Nông) sau khi xoay tròn nhiều vòng trên ròng rọc trượt trên sợi dây cáp mới tiếp đất được.

Anh Hạnh cho biết, vẫn biết dùng ròng rọc, đu mình trên sợi dây cáp qua sông Pô Cô rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác, để rút ngắn được quãng đường đi nên vẫn phải liều mình.

Trong khoảng 30 phút, anh Hạnh liên tục đi lại qua sông bằng chiếc ròng rọc để vận chuyển những bó cỏ voi từ bên kia sông về để phục vụ chăn nuôi.

Người dân nơi đây cho biết, trước đây, để ngăn người dân đu dây, chính quyền huyện, xã đã cắt ròng rọc qua sông và hỗ trợ làm một chiếc bè, gắn kèm dây cáp để kéo qua sông nhằm giảm bớt sự nguy hiểm.

Tuy nhiên, chiếc bè mùa nắng đi đỡ sợ hơn đu dây nhưng mùa mưa đi lại cũng khá vất vả. Đặc biệt, mấy ngày vừa qua, mưa liên tục nước sông dâng cao, chảy xiết nên việc đi lại bằng bè rất cực do kéo bè nặng, phụ nữ chân yếu tay mềm thì không thể kéo bè đi nổi. Vì thế, người dân buộc phải nối lại dây cáp đi bằng ròng rọc.

Tính mạng người dân nguy hiểm trên chiếc dây đu

Trước đó, cuối năm 2020, Báo Giao thông đã có bài viết “Người dân liều mình đu dây vượt sông Pô Cô” phản ánh tình trạng không đảm bảo an toàn khi người dân dùng dây ròng rọc để tiện việc qua lại, rút ngắn thời gian đi đường vòng.

Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và tiến hành tháo dỡ các điểm người dân đu dây qua sông tại khu vực thôn Nông Nội và Tà Poóc; đồng thời, hỗ trợ làm bè để người dân đi qua trong thời gian chờ xây dựng cầu treo.

Theo Sở GTVT Kon Tum, năm 2020 những cơn bão càn quét gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Kon Tum, người dân vẫn đang đối mặt với bộn bề khó khăn. Tại các địa bàn vùng sâu, ít nhất 19 cầu treo dân sinh bị cuốn trôi khiến cuộc sống của người dân đã cực lại thêm khổ.

Sau đó 2 cầu treo tại thôn Nông Nội và Tà Poók đã được huyện Ngọc Hồi bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 4 tỷ đồng/1 cầu và theo kế hoạch phải hoàn thành trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, cho đến thời điểm giữa tháng 7/2021 đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành được 2 mố cầu.

Theo tìm hiểu, một số người dân cho biết: "Dạo gần tết, khi chúng tôi hỏi thì được hứa là đến giáp tết sẽ xây xong cầu. Tuy nhiên, đến nay bắt đầu mùa mưa nữa rồi vẫn chưa thấy cầu đâu. Cây cầu treo mới đang xây dựng giờ cũng mới hoàn thành được 2 mố cầu".

Khi làm cầu tại thôn Nông Nội, do ảnh hưởng đến diện tích cây cà phê của người dân nên chính quyền vận động 72 hộ dân mỗi người dân góp một triệu để bồi thường, đền bù cho các hộ hộ bị hưởng. Người dân đã tự giác quyên góp ủng hộ nhưng cầu thì mãi chưa được xong.

Trao đổi với chúng tôi, ông Xiêng Thanh Thiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Nông cho biết: Tại buổi tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND huyện, xã tại thôn Nông Nội (ngày 15/7), cử tri đã phản ánh việc cầu treo tại thôn thi công chậm.

Chúng tôi đã tiếp thu, ghi nhận và phản ánh lên UBND huyện, đồng thời mong UBND huyện chỉ đạo chủ đầu tư đốc thúc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành cầu treo để người dân đi lại thuận tiện và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Văn Tư

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục