Ở các tỉnh Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, đặc biệt là người Khmer.
Hiện tại đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã nâng lên rất nhiều lần, trong đó phải kể đến ý thức chấp hành, tự giữ an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Lý Sen gương mẫu khi ra đường qua vài căn nhà cũng mang mũ bảo hiểm.
Khi đồng bào Khmer tự giác chấp hành
Ông Lý Sen, Tổ trưởng khu vực 1, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, người dân tộc Khmer cho biết: “Vấn đề ý thức chấp hành an toàn giao thông của bà con người dân tộc nói riêng, và các dân tộc khác nói chung hiện khá tốt.
Từ khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chấp hành luật lệ giao thông, nhìn chung 99% bà con ở đây ra đường điều chấp hành nghiêm chỉnh theo luật lệ của nhà nước”.
Cũng theo ông Sen, chẳng hạn như quy định phải đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy để bảo vệ tính mạng cho chính mình, đồng bào chấp hành rất nghiêm.
Học sinh - đặc biệt ở trường dân tộc nội trú, được thầy cô tuyên truyền rất đầy đủ về ý thức khi tham gia giao thông.
“Trong khu vực không có tình trạng học sinh người dân tộc đạp xe khi tan học hàng hai, hàng ba. Nhà trường tuyên truyền rất tốt nên các em chấp hành rất nghiêm túc.
Cũng không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường như trước đây nữa. Từ đó chúng tôi cũng thấy an tâm hơn khi ra đường, đời sống được nâng cao”, ông nói thêm.
Đồng dân tộc Khmer tham gia giao thông.
Còn bà Đào Thị Hòa, người dân tộc Khmer (ngụ cùng khu vực) nói: “Tôi năm nay 70 tuổi, là người sống lâu năm nơi này, lúc trước ý thức tham gia giao thông chúng tôi còn kém lắm.
Từ khi Nhà nước chăm lo nâng cấp đường khang trang, lên loa phát thanh, rồi mấy chú ở UBND tuyên truyền, xem trên tivi về an toàn khi tham gia giao thông nên bà con nơi đây hiểu biết hơn.
Tôi mỗi ngày đi tập thể dục 2 buổi, sáng chiều, nhà thì trước mặt đường nên cũng quan sát kỹ trong xóm, trong khu vực giờ bà con ở đây chấp hành tốt lắm”.
Bà nói, bà con ở đây ra đường chạy xe cách vài căn nhà cũng đeo nón bảo hiểm. Thanh niên trong xóm giờ uống rượu cũng ít chạy xe, một phần do quy định phạt nồng độ cồn quá cao nên họ cũng sợ.
“Còn lạng lách, đánh võng, đua xe... thì mấy năm nay hầu như không có. Nếu chú để ý xe trong khu vực này, sẽ thấy xe bốn bánh, xe hai bánh ra đường đều có đầy đủ kính chiếu hậu, còi, đèn xi nhan, đèn báo. Bây giờ ai cũng tự ý thức bảo vệ tính mạng của mình”, bà nói thêm.
Phường tập trung tuyên truyền an toàn giao thông
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn: “Được sự bố trí chỉ đạo của UBND quận, hàng năm phường đều xây dựng kế hoạch về ATGT. Chúng tôi tuyên truyền qua loa phường, đài phát thanh, loa kẹo kéo hoặc lồng ghép vào các họp hội đoàn thể của phường.
Song song, phường cũng cử cán bộ là Phó Công an phường lên các trường tiểu học để có những bài tuyên truyền cho các em học sinh, đặc biệt có đồng bào dân tộc thiểu số”.
Theo ông, qua đó bà con có ý thức chấp hành tốt. Qua các năm thực hiện tốt việc tuyên truyền, nhìn chung số vụ vi phạm ATGT trên địa bàn phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn giảm rất rõ rệt.
“Một phần cũng do phòng chống dịch thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên số lượng vi phạm giảm xuống, nhưng nhìn chung do ý thức của bà con khá tốt”, ông nói.
UBND phường Châu Văn Liêm thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền.
Cụ thể, năm 2019 số trường hợp vi phạm ATGT ở phường là 95 trường hợp. Đến năm 2020 chỉ còn 45 trường hợp (giảm 51%). Từ đầu năm 2021, đến nay chỉ có 15 trường hợp (giảm 67%). Đa số xử phạt hành chính, không có trường hợp va quẹt, tai nạn giao thông nghiêm trọng.