An toàn đường đèo Lò Xo
Cửa ngõ vào Tây Nguyên phải nói đến đoạn đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có chiều dài khoảng 27 km, độ dốc dài, quanh co liên tục. Cung đường này luôn được xem là cung đường "tử thần" đối với các lái xe. Để giảm thiểu TNGT hay xảy ra, cung đường đèo này đã được ngành chức năng đầu tư tăng cường nhiều giải pháp an toàn.
Công tác bảo đảm trật tự ATGT đèo Lò Xo đã được thực hiện có hiệu quả cao
Đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT nên Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng 1 đường lánh nạn, 14 hốc cứu nạn, trên 4.000 mét tường lốp cao su làm hộ lan mềm và bổ sung hơn 600 bộ tiêu, biển báo, chỉ dẫn phản quang để hướng dẫn lái xe an toàn.
Bên cạnh việc tăng cường các phương tiện, thiết bị đảm bảo ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tốc độ trên tuyến đường đèo Lò Xo và bàn giao cho lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi và xử lý các phương tiện vi phạm trật tự ATGT.
Với việc triển khai đồng loạt các giải pháp tăng cường ATGT cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, những vụ TNGT trên tuyến đường đèo Lò Xo sẽ được kiềm chế và phương tiện lưu thông qua đèo sẽ bảo đảm an toàn.
45 năm ao ước có một cây cầu
Thế nhưng, đến năm 2020, thị trấn đầu cửa ngõ Tây Nguyên huyện Đắk Glei vẫn bị chia cách giữa đôi bởi bởi dòng sông Pô Kô. Khu tây sông có đường Hồ Chí Minh chạy qua, khu đông sông bao năm bị tách biệt. Giao thông kết nối chỉ có chiếc cầu treo 2,5 tấn được xây dựng từ những năm 1980 đã cũ nên cấm các loại ô tô qua cầu. Không chỉ có vậy, khu đông sông có đến 6 cơ sở giáo dục (Trường PT dân tộc nội trú, Trường THCS thị trấn, Trường THCS, Trung tâm dạy nghề huyện). Theo quy hoạch năm 2010 của tỉnh Kon Tum, khu hành chính huyện sẽ nằm toàn bộ bên bờ đông sông Pô Kô. Đối với người dân ở đây, một chiếc cầu nói 2 bờ sông để con đường thông thương thuận lợi hơn.
Già làng Hà Sĩ Thử tâm sự về niềm khát khao cây cầu của đồng bào thị trấn huyện Đắk Glei
Già làng Hà Sĩ Thử - một lão thành cách mạng, cả đời gắn bó với thị trấn Đắk Glei là người hiểu rõ về những vất vả của người dân phía đông sông. Theo già làng ngày xưa nghèo, nhà tranh vách tre, cuộc sống người dân tự cung tự cấp thì đơn giản. Nhưng từ những năm 1980 trờ lại đây, người dân bắt đầu xây nhà, làm đường liên thôn, nhưng thấy dân toàn cõng vật liệu qua sông. Giá thành vật liệu chênh lệch quá lớn. Đời sống của người dân 2 bên bờ sông chênh lệch hẳt. Không những vậy, đã có những tai nạn thương tâm khi người dân lội sông đi làm bị lũ cuốn trôi. Năm 2009, huyện có 3 trường hợp chết vì lũ rất thương tâm.
Theo già làng, chiếc cầu không chỉ là mong mỏi của người dân, mà còn là những khắc khoải chưa hoàn thành đối với những lão thành cách mạng. Sau khi thống nhất đất nước, huyện Đắk Glei có đến 70 cán bộ như già làng được điều động lên xây dựng huyện, trong đó có 20 người bỏ về lại quê hương. Còn lại 50 người, nhưng nay chỉ còn 7 người còn sống.
Cây cầu treo cũ kỹ cấm ô tô đã kìm hãm sự phát triển kinh tế người dân
Tất cả những cán bộ nòng cốt năm ấy, đều mong muốn huyện Đắk Glei phát triển xứng đáng đô thị cửa ngõ Tây Nguyên. Ai cũng mong có được chiếc cầu nối 2 bờ sông Pô Kô. Già làng cũng hy vong có được chiếc cầu trước khi ông mất, để ông thắp hương báo cáo với những đồng đội, những người cán bộ đã rời quê hương để lên đây xây dựng mảnh đất Đắk Glei này.
Chiếc cầu “đã nối bờ vui”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Giao thông Kon Tum, cho biết: Năm 2020, niềm vui của người dân đã thành hiện thực. Dự án cầu qua sông Pô Kô đã được công ty Công ty CP Tư vấn xây dựng Giao thông Kon Tum nghiên cứu xây dựng và trình lãnh đạo các cấp từ nhiều năm trước, và đến năm 2017 đã được tỉnh Kon Tum quyết định phê duyện đầu tư.
Dự án được khởi công tháng 11/2018 và hoàn thành tháng 7/2020, với tổng kinh xấp xỉ 40 tỷ đồng. Trong buổi lễ khánh thành ông Hoàng Trung Thông, khi đó đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, đã xúc động cho biết: “Để xây dựng cầu qua sông Pô Kô góp phần xây dựng thành công khu đô thị Đông Sông theo chỉ thị 20 của Tỉnh ủy, trong quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Có được cây cầu mới, đồng bào thị trấn huyện Đắk Glei vui như hội
Đầu tiên phải nói là khó khăn về quy hoạch. Vị trí cũ tại phòng Nông nghiệp cũ, trước cổng UBND huyện dễ gây mất ATGT, không phát huy tối đa hiệu quả cây cầu, không tạo điểm nhấn với vai trò là vị trí trung tâm của hệ thống giao thông. Chính vì vậy, năm 2016, huyện Đăk Glei trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thị trấn Đăk Glei, trong đó điều chỉnh vị trí tuyến cầu BTCT qua sông Pô Kô từ vị trí cũ đến vị trí mới như hiện nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công cầu qua sông Pô Kô chủ đầu tư và đơn vị thi công còn gặp khó khăn về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, về ý tưởng thiết kế…
Tuy nhiên, được sự quan tâm của ban ngành các cấp và sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công, thiết kế, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là sự ủng hộ của người dân trong việc giải phóng mặt bằng nên cây cầu từ ý tưởng đã trở thành hiện thực".
Nhờ có đường Hồ Chí Minh và cây cầu Pô Kô nối liền 2 bên thị trấn, đến nay thị trấn Đăk Glei có gần 1.600 người với 10 thôn văn hóa, có 4 trường học; có hàng trăm cơ sở dịch vụ sản xuất, chế biến, cung cấp hàng hóa và thu ngân sách đạt gần 6 tỉ đồng.
Là người sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất này, cựu chiến binh Hồ Mi (nguyên Huyện Đội trưởng Huyện Đội Đăk Glei) cảm thấy phấn khởi về những đổi thay, khởi sắc của địa phương.
“So với trước gấp không biết bao nhiều lần, đến bây giờ đường sá, đời sống của bà con nhân dân tương đối, các cháu học sinh cũng đầy đủ, trước đây trường trạm rất khó khăn”, cựu chiến binh Hồ Mi phấn khởi nói.
Từ chỗ tỉ lệ hộ nghèo gần 100% sau ngày đất nước giải phóng, đến nay thị trấn Đăk Glei đã giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 22% theo chuẩn đa chiều. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền thị trấn phấn đấu theo Nghị quyết, thứ nhất về quy hoạch đô thị theo quyết định của UBND tỉnh là đạt đô thị loại V, phấn đấu thu nhập các hộ đạt 34-35 triệu đồng/người/năm.