Phương tiện ở miền núi hưởng lợi từ cơ chế xã hội hóa đăng kiểm

Huy Lộc

Những năm gần đây, nhiều chủ xe ô tô ở khu vực miền núi không còn phải đi cả trăm kilomet, chờ đợi để đăng kiểm như cách đây vài năm.

Đăng kiểm đến gần... chủ xe

Cuối tháng 10/2021, chiếc xe bán tải của gia đình sẽ hết hạn đăng kiểm định kỳ, vì vậy anh anh Bùi Văn Minh (xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) đưa phương tiện đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 26-03D (huyện Vân Hồ) để kiểm định sớm gần 1 tuần.

Xe đi kiểm định khá vắng nên phương tiện được tiếp nhận kiểm định ngay. Khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu, chủ xe chỉ mất ít phút để hoàn thành thủ tục nộp lệ phí, phí kiểm định và sử dụng đường bộ.

Đơn vị đăng kiểm ở huyện Vân Hồ, Sơn La

Trong tâm trạng hồ hởi, anh Minh cho biết, lần này đi đăng kiểm rất thoải mái. Trung tâm đăng kiểm này rất mới, phòng chờ khách hàng tiện nghi, còn ở gần nhà, không còn phải “thức khuya dậy sớm” để đi đăng kiểm như những lần trước.

“Trước đây cả tỉnh có hai trung tâm đăng kiểm, nhưng đều ở thành phố, mỗi lần đi đăng kiểm phải mất khoảng 120km, còn đi xuống Hòa Bình cũng mất cả trăm cây số. Cả đi và về mất cả ngày, nên cứ nghĩ đến đăng kiểm là thấy ngại. Giờ có trung tâm đăng kiểm gần nhà rồi nên rất thuận lợi, bớt được công sức đi lại và xăng dầu”, anh Minh kể.

Chủ xe tải tên Vĩnh (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu) chia sẻ, xe vừa bị “trượt” đăng kiểm và phải sửa phanh, song cũng không còn lo lắng, căng thẳng như những lần trước. “Trước kia phải đi hơn 100km mới có chỗ đăng kiểm, đi lại xa xôi đã vất vả nhưng sợ hơn là xe phải về sửa chữa. Tìm ga ra để sửa luôn không dễ, còn mang về nhà sửa lại tốn chi phí đi lại, mất thời gian. Giờ đăng kiểm ở gần nhà, bị "trượt" đăng kiểm cũng đỡ lo việc đi sửa chữa xe”, chủ xe này kể.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Trung tâm đăng kiểm 26-03D là đơn vị đăng kiểm thứ 3 tại Sơn La, được cấp phép và đi vào hoạt động từ tháng 2/2021, hiện trung bình mỗi ngày có trên dưới 20 phương xe vào kiểm định, chủ yếu ở các huyện, khu vực gần trung tâm. Hai đơn vị còn lại đều ở TP.Sơn La, vì vậy, việc có thêm trung tâm đăng kiểm này góp phần tạo thuận lợi cho chủ phương tiện ở vùng xa trung tâm, giảm chi phí, thời gian cho chủ phương tiện.

“Những năm gần đây, số lượng xe ô tô vận tải, xe cá nhân tại địa phương có sự gia tăng, trong đó có cả các địa bàn các huyện vùng xa trung tâm, kéo theo nhu cầu kiểm định tăng. Cơ chế xã hội hóa giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đăng kiểm phù hợp với nhu cầu thực tế, cũng như thuận lợi cho chủ xe khi kiểm định phương tiện”, ông Lê Xuân Thủy, Phó giám đốc Công ty CP Kiểm định vận tải Sơn La (chủ đầu tư Trung tâm đăng kiểm 26-03D) cho biết.

Tương tự, tại tỉnh miền núi Tuyên Quang, gần cuối năm 2019 xuất hiện trung tâm đăng kiểm thứ 2 tại huyện Sơn Dương, sau đó có thêm đơn vị thứ 3, giúp phương tiện ở các huyện xa đi đăng kiểm gần hơn.

“Khi đơn vị đi vào hoạt động, chủ phương tiện tại các huyện như Chiêm Hóa, Na Hang của Tuyên Quang hay một số huyện của Yên Bái giảm được thời gian, chi phí đi lại so với trước. Nhiều chủ xe phản hồi rất tích cực, phấn khởi vì đi kiểm định được thuận lợi”, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm trên chia sẻ.

Hiện nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có 2-3 trung tâm đăng kiểm, giúp nhiều chủ phương tiện không còn phải đi xa như trước

Tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Từ năm 2019, theo Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, việc đầu tư trung tâm đăng kiểm xe không bị giới hạn về số lượng hay vị trí như trước. Điều này mở ra cơ hội đầu tư và tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong đầu tư dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Từ cơ chế trên, không ít doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư hoặc mở rộng đầu tư trung tâm đăng kiểm tại các địa phương miền núi. Một số địa phương trong nhiều năm chỉ có một trung tâm đăng kiểm nay đã có 2-3 đơn vị. Có thể kể đến như: Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, tại một số địa phương miền núi khác cũng đang có nhà đầu tư đăng ký xây dựng trung tâm đăng kiểm mới như Lào Cai, Hà Giang…

“Các địa phương miền núi có lượng xe ô tô tăng trưởng chậm nên ít thu hút xã hội hóa đầu tư trung tâm đăng kiểm. Dù vậy đến nay, một số địa phương miền núi có 2-3 trung tâm đăng kiểm, góp phần giúp tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, người dân ở vùng miền núi xa trung tâm của tỉnh, nhất là không phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian đi đăng kiểm như trước”, ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị đăng kiểm tại các tỉnh miền núi tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn chủ xe ô tô trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về kiểm định xe cơ giới, niên hạn sử dụng xe ô tô, thực hiện giám định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới… góp phần bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương.

Cần phân bổ đầu tư hợp lý

Thực tế cho thấy, thời gian qua các đơn vị đăng kiểm được đầu tư mới tại các tỉnh miền núi chủ yếu tập trung ở tại đô thị trực thuộc tỉnh hoặc vị trí giáp với đô thị, như Lạng Sơn, Cao Bằng… Trong khi đó, nhu cầu thực tế tại đô thị không tăng đột biến, dẫn đến phương tiện ở các vùng xa trung tâm ít được hưởng lợi từ cơ chế xã hội hóa đầu tư.

Theo lãnh đạo một đơn vị đăng kiểm, các địa phương nên quản lý đầu tư theo hướng phân bổ hợp lý vị trí trung tâm đăng kiểm, tránh xảy ra tình trạng chỉ đầu tư tập trung ở thành phố thuộc tỉnh hoặc địa bàn giáp ranh.

Huy Lộc

Cùng chuyên mục