Những con lộ bê tông nối liền phum sóc, đánh thức vùng quê nghèo khó

Gia Minh

Chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.

Tân Hưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), trong những năm qua chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây đã tập trung vào xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Anh Thạch Tuấn (ấp KoKô, xã Tân Hưng) chia sẻ, trước đây, KoKô là vùng quê hẻo lánh, gần 100% hộ Khmer, cuộc sống người dân rất khó khăn, lộ giao thông là đường đất mòn, không có điện, nước sạch… nên việc đi lại của bà con rất khó khăn.

Lộ bê tông hóa được đầu tư hoàn chỉnh, nối ấp liền ấp, xã liền xã tạo động lực phát triển cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

“Hiện tại, vùng quê hẻo lánh đã thay đổi hơn trước nhiều lắm rồi, đã có đường bê tông hóa đến tận nhà mà bà con chúng tôi mơ ước, nối ấp liền ấp, xã liền xã trong huyện. Bà con đi lại rất thuận tiện, trường học cũng được xây dựng mới khang trang hơn, chất lượng dạy và học đã được nâng lên đáng kể, nhiều căn nhà lá trước đây đã thay thế bằng nhà tường”, anh Tuấn nói.

Ông Đỗ Thống Nhất, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Lợi thế của xã được đầu tư Chương trình 135, nên kết hợp với nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.

Giờ đây, bà con Khmer đã buôn bán, kinh doanh, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên hiệu quả kinh tế đạt khá cao, cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, bà con Khmer chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn và làm đẹp đường quê bằng việc trồng cây xanh”.

Bên cạnh đó, xã Tân Hưng còn thực hiện tốt công tác giảm nghèo bằng cách như: hỗ trợ cho hộ nghèo vốn vay phát triển kinh tế; hỗ trợ con giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững…Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Nhiều công trình được xây dựng khang trang hơn, góp phần làm thay đổi diện mạo phum sóc.

Còn ông Thạch Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Khánh (huyện Long Phú) cho biết, Trường Khánh là xã đạt công nhận xã Nông thôn mới sớm nhất của huyện, cũng là nhờ được sự chung tay ủng bà con đồng bào dân tộc Khmer.

“Đặc biệt, bà con hiểu được ý nghĩa và mục đích xây dựng nông thôn mới, nên tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất hoa màu… để xây dựng các công trình nông thôn. Mặt khác, xã Trường Khánh cũng được hưởng Chương trình 135, nên khi kết hợp tất cả nguồn vốn của các dự án, chương trình đã phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội cao”, ông Vũ chia sẻ thêm.

Theo UBND huyện Long Phú, huyện có trên 28% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, xuất phát điểm trong xây dựng Nông thôn mới còn thấp.

“Thời gian tới, trong triển khai thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới, quan điểm của huyện là vừa chỉ đạo vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, lấy ý chí và nguyện vọng của nhân dân làm trung tâm, ưu tiên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, nhằm tạo động lực đưa phum sóc khởi sắc hơn”, một lãnh đạo huyện Long Phú chia sẻ.

Gia Minh

Cùng chuyên mục