Những năm trở lại đây, tình hình trật tự ATGT trên QL217, QL15, Hồ Chí Minh qua các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa được kiểm soát chặt chẽ. TNGT được kiềm chế, giảm sâu cả 3 tiêu chí về số người, số vụ và số người chết.
Lực lượng CSGT Đội số 3 đang ra tín hiệu dừng phương tiện trên đường mòn Hồ Chí Minh
Người dân biết “sợ” khi uống rượu, bia khi lái xe ra đường
So với nhiều năm trước kia, khi phong tục ở các đồng bào dân tộc và nhận thức về pháp luật ATGT đang còn thấp thì tỷ lệ sử dụng rượu bia tương đối cao. Việc này đã kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác đảm bản an ninh trật tự; làm gia tăng số người tử vong, bị thương do TNGT.
Tất nhiên, điều này không thể đánh đồng cho việc sử dụng rượu, bia nhưng qua các phân tích, đánh giá của các cơ quan chức năng thì hằng năm thống kê cho thấy tỷ lệ TNGT ở đường bộ chiếm tới hơn 90%, nguyên nhân chủ quan nhiều hơn nguyên nhân khách quan đem lại.
Trong nhiều năm qua, dưới sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở các huyện miền núi có giảm rõ rệt. Đặc biệt, sau khi có Nghị định 100, các trường hợp vi phạm về nồng độ giảm đi nhiều và hay nói cách khác, người dân đã biết “sợ” khi tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, theo ghi nhận của Pv Báo Giao thông, những ngày cuối năm, lực lượng CSGT Thanh Hóa chia nhiều tổ TTKS trên các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, QL217 để tăng cường công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi thấy rõ tác hại của rượu, bia và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Qua kiểm tra cho thấy, đa phần người dân ở các huyện miền núi chấp hành pháp luật về ATGT
Có mặt trên tuyến QL217, đang TTKS xử lý đoạn qua huyện Bá Thước, Thiếu tá Lê Tuấn Minh – cán bộ Đội CSGT số 3 cho biết: Thực hiện Kế hoạch của cấp trên, chúng tôi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả các phương tiện qua lại trên tuyến. Từ sáng tới giờ kiểm tra khoảng 20 trường hợp nhưng không có ai vi phạm cả. Có thể nói bây giờ người dân chấp hành rất tốt, không vi phạm đại trà như trước đây.
Khi bị dừng xe kiểm tra, bác Phạm Công Dĩnh (SN 1957, ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước - là người dân tộc Thái) điều khiển xe máy mang BKS 36G5-040.73 cho hay: Chúng tôi ở đây khi có lễ, hội, nhà có việc thì cũng hay mời nhau đến nhà ăn cơm, uống rượu.
Trước đây, tôi có một lần cũng ngã xe do uống rượu mà ra nhưng may không việc gì. Tôi xác định khi ra đường là phải tuân thủ pháp luật, không nhậu nhẹt nữa. Nếu có uống rượu vào rồi thì phải bảo vợ con chở đi chứ không đi một mình nữa đâu.
Còn tại đường mòn Hồ Chí Minh, anh Lê Văn Kiên (SN 1990, ngụ ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân – là dân tộc Mường) cho hay: Tôi thường xuyên qua tuyến đường này để đi làm. Mặc dù cuối năm sẽ có nhiều hội họp nhưng do dịch bệnh COVID-19 và sợ bị thổi nồng độ cồn nên tôi không bao giờ uống rượu bia khi lái xe ra đường cả. Nhỡ bị phạt là về vợ con chửi cho.
Theo tìm hiểu được biết, tuyến đường QL217 đi qua các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước và Quan Sơn. Còn tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đi qua 6 huyện gồm: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân và Như Xuân. Tất cả những địa phương này đều là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.
Bác Phạm Công Dĩnh, người dân tộc Thái cho biết đã biết "sợ" nên không ra đường sau khi uống rượu bia lái xe ra đường.
Đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm
Trung tá Lê Đức Thắng – Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) nhận định: Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân thường tổ chức liên hoan, hội họp, cưới hỏi và có xu hướng sử dụng rượu, bia sẽ gia tăng.
Đặc biệt là người dân ở khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa với văn hóa và thói quen thường xuyên sử dụng rượu, bia nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm giao thông và TNGT.
Để thực hiện chỉ đạo của giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng CSGT, Đội CSGT số 3 đã chủ động phối hợp với Công an các huyện, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân cũng như tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện trên các tuyến đường.
“Trong thời gian tới, Chỉ huy đội tiếp tục tập trung chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ tăng cường công tác nắm bắt tình hình và kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm có vi phạm nhiều”, Trung tá Thắng cho biết thêm.
Theo Trung tá Thắng, trong năm 2021, Đội CSGT số 3 đã xử lý tổng cộng 218 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó ô tô 10 trường hợp; mô tô 208 trường hợp. Tạm giữ 218 phương tiện. Tổng số tiền phạt trên 710 triệu đồng.
Cùng quan điểm này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hoàng Linh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đối với đồng bào dân tộc khu vực nông thôn miền núi sử dụng rượu bia trước đây là rất phổ biến. Ở khu vực miền núi có nhiều lễ hội, chương trình của đồng bào hằng năm nên việc sử dụng rượu bia được xem là truyền thống.
Tuy nhiên, sau khi Ban ATGT tỉnh thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào khu vực nông thôn miền núi. Bên cạnh đó, trên các tuyến QL và đường tỉnh, sau khi các lực lượng chức năng TTKS xử lý kết hợp truyên truyền thì việc sử dụng rượu bia của đồng bào dân tộc khu vực nông thôn miền núi đã hạn chết rất nhiều, hiếm gặp các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Song vẫn còn có ở những tuyến đường liên xã, liên thôn, bản khi không có lực lượng chức năng thì vẫn xảy ra vi phạm ở một số bộ phận.
“Thực tế có những trường hợp uống rượu xảy ra va chạm, uống rượu tự gây TNGT cho chính bản thân mình. Ở khu vực miền núi thì tỷ lệ TNGT giảm đồng đều so với vùng đồng bằng. Một phần do nhận thức của người dân về Pháp luật ATGT đã được nâng cao sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt.
Hằng năm, Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Ban ATGT các huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền vào từng thôn, bản nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra”, ông Vũ Hoàng Linh nói.