Giao thông tạo đòn bẩy giúp vùng đồng bào Khmer phát triển

Trần Lưu

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, phục vụ sản xuất…

Quê nghèo thay “áo mới”

Trà Vinh là tỉnh có trên 31,5% dân số là đồng bào Khmer, tập trung nhiều trên địa bàn các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần...

Kết cấu hạ tầng giao thông ở Trà Vinh không ngừng được hoàn thiện.

Từ năm 1999, thông qua Chương trình 135 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo bền vững; đến nay, Trà Vinh đã đầu tư xây dựng được 1.171 công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào Khmer.

Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer ngày nay đã được đầu tư khá hoàn chỉnh. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa mà còn phục vụ sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết giá trị hướng đến xuất khẩu.

Đến nay, từng vùng, từng khu vực đã dần thay đổi sản xuất nông nghiệp đơn thuần theo hướng sản xuất công nghệ cao 4.0 như vùng nuôi tôm ở xã Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang), xã Kim Sơn, Đại An, Đinh An (huyện Trà Cú), vùng đồng láng Đôn Xuân, Đôn Châu (huyện Duyên Hải)... Đây là những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống và sản xuất.

Bà Lâm Thị Tha, người dân ở ấp Trung Tiến, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, cho biết: “Hồi trước giải phóng người dân nơi đây muốn đi chợ huyện thì mất cả buổi. Nhưng từ khi Nhà nước triển khai xây dựng nông thôn mới, nhà nào đều có điện, có nước máy sử dụng, con đường thông thoáng, sạch sẽ”.

Còn ông Thạch Chên, nông dân ở ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, chia sẻ: “Những năm qua, đường giao thông ở địa phương không ngừng phát triển đã giúp ích rất nhiều cho bà con.

Nếu so với trước đây trồng trọt giá cả vừa thấp vừa không ổn định, do vận chuyển khó khăn, thì bây giờ mọi thứ đã khác. Doanh nghiệp cho xe về tận ruộng bao tiêu, đường sa thì láng bon, cuộc sống của người dân nông thôn chúng tui được thoải mái hơn nhiều”.

Đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh đã được cải thiện.

Ghi nhận tại xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, nơi có tỷ lệ đồng bào Khmer lên đến trên 71,3%, trước đây, hệ thống giao thông trên địa bàn xã còn nhiều trắc trở. Hầu hết là đường đất, đi lại khó khăn, từ đó điều kiện phát triển kinh tế cũng còn nhiều hạn chế.

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ và sự đồng thuận, tự nguyện đóng góp công sức, vật chất của người dân xã Thạnh Hòa Sơn đã góp phần cho diện mạo nông thôn ngày càng phát triển.

Diện mạo giao thông tại các vùng đồng bào thiểu số ở Trà Vinh không ngừng thay da đổi thịt.

Qua đó, nâng cấp nhiều tuyến đường trên địa bàn xã, tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Đến nay, có 100% tuyến đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch, tỷ lệ đường giao liên ấp được cứng hóa, đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Tiếp tục chăm lo đồng bào thiểu số

Ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc Trà Vinh, cho biết: "Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng".

Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục đầu tư, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer.

Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững…

Ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, cho hay: "Hiện nay, điều kiện môi trường sống của đồng bào Khmer trong khu vực đang bị ảnh hưởng, bức xúc nhất là tình trạng biến đổi khí hậu luôn diễn biến phức tạp, cùng với khó khăn biến động thực tế sau dịch bệnh Covid-19.

Nên trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên triển khai dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sán xuất, nước sinh hoạt. Cùng với đó là dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết".

Tỉnh kỳ vọng, sau khi 2 dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ giải quyết cơ bản về đất ở, nhà ở và đất sản xuất. Riêng dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, sẽ bố trí kịp thời chỗ ở cho số hộ đồng bào đang sống ven biển, bị sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án tiếp theo được tỉnh quan tâm và sớm triển khai là phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi Tỉnh ủy Trà Vinh xác định, trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực chất lượng sẽ tham mưu được cho lãnh đạo chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng và phát triển toàn diện, có như vậy mới đáp ứng được nguồn nhân lực đang thiếu hụt…

Trần Lưu

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục