Giấc mơ thành hiện thực nhờ tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay nhà nước

Không còn là mơ ước, tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay nhà nước, đồng bào tôn giáo ở Cần Thơ đã thoát nghèo, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, tổng số tiền được giải ngân lên đến 86 tỷ đồng, cho toàn xã có 2.784 hộ được vay vốn, tính từ năm 2004 đến nay.

Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp lộ giao thông nông thôn mới trên địa bàn luôn được UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ quan tâm đặc biệt.

Nhiều người họ đạo Trường Long đã thoát nghèo.

Đường xã phong quang

Từ đầu năm đến nay xã Trường Long, huyện Phong Điền, đã vận động làm mới 2 tuyến lộ bê tông. Tuyến thứ nhất đoạn qua ấp Trường Thọ A, với chiều dài 500m.

Tuyến thứ hai, tổng chiều dài 610m, đoạn qua ấp Trường Phú theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, dân đóng góp với số tiền 105 triệu đồng, cát, đá, ngày công lao động...

Mở rộng thêm 75m lộ giao thông nông thôn mới, chiều dài 2,5km, thuộc ấp Trường Thọ.

Cùng với đó, đã sửa chữa 6 cầu bị xuống cấp, xây dựng thêm 3 cầu mới trên địa bàn, phát quang tầm nhìn hơn 4 km lộ giao thông nông thôn toàn xã.

Vay được vốn, từng bước lo làm kinh tế vườn

“10 năm trước, gia đình tôi chủ yếu làm nông, đời sống khó khăn, cái nghèo nối tiếp, cái nghèo. Nhà cửa ọp ẹp, mùa mưa ở trong nhà mà như ngoài sân. Đi làm không đủ ăn bữa đói, bữa no.

Lúc đó được cầm trong tay 5-10 triệu đồng để làm ăn cũng là mơ ước hàng đêm. Nghèo phải chịu thôi, chứ tính giỏi tới đâu, có đất mà không có vốn ban đầu cũng thua thôi chú ơi”, đó là tâm sự của ông Nguyễn Phước Thiên, người của họ đạo Thiên Chúa, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Và ông cho biết: “Có được nhà cửa khang trang, rộng rãi, thoải mái, như hiện nay, điểm khởi đầu là khi điều ước thành hiện thật. Tôi nhớ như in, hôm đó cô Tổ trưởng chạy xuống hồ hởi cho hay, tôi được UBND xã duyệt vay vốn, làm ăn với số tiền là 40 triệu đồng. Lúc đó với tôi là cả tài sản”.

Cầm số tiền trên tay, ông tính toán và bắt đầu thực hiện từng bước. Nào là cải tạo đất, lập vườn, chọn mua trồng loại giống cây có hiệu quả kinh tế cao, mau cho trái, như mít Thái.

Căn nhà của ông Thiên đã được xây dựng khang trang.

Thời điểm đó mít Thái rất có giá. Với 5 công (1 công = 1.000m2) đất vườn trồng mít, chỉ sau 1 năm đã cho trái. Mỗi năm ông Thiên thu về 200 triệu đồng, cuộc sống dẫn ổn hơn...

Từ đó thừa thắng, xông lên, ông mở rộng thêm diện tích canh tác. Đến hiện nay, vườn nhà ông đang cho trái thêm 5 công sầu riêng nữa - là loại cây lâu năm ăn bền hơn mít. Hiện mỗi năm ông thu về tổng cộng 500 triệu đồng, rồi xây nhà và mới mua thêm đất.

“Nói thật lúc chưa được vay vốn, tôi đi mượn cũng không ai cho, ra ngoài vay cũng không dám, sợ lãi suất cao, không trả nổi thì làm sao? Rất biết ơn Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm sâu sắc, kịp thời đến người dân”, ông nói.

Nhiều người họ đạo thoát nghèo

Theo chị Võ Anh Phương, cán bộ Quản lý chế độ chính sách xã Trường Long: “Ông Thiên là hộ đồng bào tôn giáo tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội.

Trên địa bàn xã Trường Long, riêng ấp Trường Thọ và Trường Thọ 1 có 90% hộ dân là người thuộc đồng bào công giáo. Trước đây cuộc sống họ rất khó khăn, do tình trạng thiếu vốn sản xuất, không có việc làm”.

Đường về xã Trường Long.

Theo chị, nhiều hộ chí thú làm ăn, canh tác, đã trở thành hộ khá giàu của vùng từ nguồn vốn vay ban đầu. “Bên cạnh việc hỗ trợ bà con, chúng tôi còn làm công tác tư tưởng, để bà con an tâm, lao động xây dựng cuộc sống”, chị kể.

Từ nguồn vốn vay chính sách xã hội, góp phần nâng cao đời sống, vật chất còn tạo thêm công ăn, việc làm mới cho bà con đồng bào, tôn giáo trên địa bàn.

Như trường hợp của bà Huỳnh Thị Bạch, ngụ ấp Trường Thọ 1, xã Trường Long. Bà kể: “Nhà tôi lúc trước thuộc dạng khó khăn, ít đất canh tác, cũng may mắn được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi và được tín nhiệm làm Tổ trưởng Vay vốn ở xã.

Công việc là hàng tháng đến thu lãi bà con trong ấp. Từ đó coi như cũng có công ăn, việc làm. Thời gian sau dần ổn hơn, tôi bắt đầu cải tạo đất, trồng thêm sầu riêng, rồi trúng mùa, được giá”.

Nhờ đó bà mới có tiền, cho 2 đứa con ăn học. Hiện tại 2 đứa con bà đang là kỹ sư cấp thoát nước, công tác tại Cần Thơ.

“Rất phấn khởi, biết ơn chính quyền đã hỗ trợ cho dân vay vốn làm ăn. Cũng mong Nhà nước tiếp tục chương trình vay vốn cho hộ chính sách xã hội đồng bào, tôn giáo khó khăn, trong địa phương nếu còn”, bà tâm sự.

Công việc của bà Bạch là đi thu tiền lãi hàng tháng.

Ông Đỗ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Ở xã Trường Long, thời gian vừa qua đối với công tác chăm lo đời sống người dân nói chung, đặc biệt đồng bào tôn giáo nói riêng, là rất quan tâm, sâu sắc.

Và địa phương nhận được sự tín nhiệm các đồng bào tôn giáo trên địa bàn, rất tin tưởng, ủng hộ. Để đáp lại tình cảm đó, chính quyền địa phương ưu tiên phát triển tốt kinh tế, văn hóa, xã hội…”.

Cụ thể, ông Chung cho biết, chính quyền đã hỗ trợ các tín đồ tôn giáo ở địa phương có cuộc sống ổn định. Đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, trong đó chủ yếu tập trung cho đồng bào tôn giáo.

Vào ngày 14 hàng tháng, UBND xã Trường Long sẽ họp xét duyệt hồ sơ vay vốn cho bà con.

“Trước hết tạo mọi điều kiện, hỗ trợ vay vốn, hàng tháng hợp giao ban vào ngày 14 để xét duyệt hồ sơ vay vốn. Tất cả hộ nghèo đều được vay”, ông cho biết.

Hiện nay, tổng số hộ nghèo trên cả xã chỉ là 11 hộ/16.700 hộ, chiếm 0,53%. Hầu như tất cả các hộ ở xã đều khá, giàu so với trước đây, khi tỷ lệ hộ nghèo đến 18% vào năm 2015.

“Riêng ở 2 ấp Trường Thọ và Trường Thọ 1, đặc biệt có đến tổng số 15.000 tín đồ công giáo đến hiện tại không còn hộ nghèo”, ông phấn khởi nói.

Nhờ được hỗ trợ vốn vay, kinh tế khấm khá, bà con có điều kiện tham gia phong trào chung tay làm đường giao thông.

Qua đó có thể thấy đời sống người dân, đặc biệt đồng bào tôn giáo được chăm lo, chất lượng sống ngày càng được nâng cao như mong mỏi bấy lâu nay.

Trong đó việc hỗ trợ vay vốn chính sách xã hội, nâng cấp lộ giao thông nông thôn mới là những yếu tố tiên quyết, để thay đổi bộ mặt xã hội trong giai đoạn xây dựng xã Nông thôn mới.

Cùng chuyên mục