Đường lên “thôn, bản kiểu mẫu” ở biên giới Tây Giang

Đại Thắng

Từ ngày có đường ô tô về tới thôn, bản đã làm thay đổi hẳn diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu biên giới huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Từ hơn 10 trở về trước, vùng đất biên giới huyện Tây Giang với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu là địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam luôn ám ảnh của đói nghèo, là nơi hiện thân của chốn rừng thiêng nước độc, của những hủ tục lạc hậu.

Vậy mà, từ ngày có đường ô tô về tới thôn, bản đã làm thay đổi hẳn diện mạo vùng biên giới xa xôi này. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu hòa mình vào đời sống văn hóa mới, sản xuất làm ăn kinh tế thị trường.

Giờ đây, các thôn bản vùng biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã có đường ô tô vào đến nơi

Thênh thang đường về bản làng biên giới

Từ Đà Nẵng, đến thôn A Ting, xã Ga Ry-một trong những thôn, bản nằm giáp ranh với nước bạn Lào, chỉ mất gần nửa ngày đi xe. Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang tự hào nói với tôi, bây giờ từ trung tâm huyện Tây Giang ở xã A Tiêng lên các thôn bản vùng cao biên giới Ga Ry, Ch’ơm cũng chỉ mất chưa đầy một giờ, chứ không còn cảnh đi cả ngày đường, ăn ở lại 2-3 ngày để làm việc như trước đây.

“Cách đây khoảng 10 năm, bấy giờ giao thông là một nỗi ám ảnh của bất kỳ người nào công tác, làm việc ở Tây Giang. Từ Đà Nẵng đến Tây Giang, chỉ khoảng 150km nhưng mất nguyên cả 7-8 ngày đi xe, đi bộ trầy trật mới đến nơi. Còn lên các xã vùng cao như Tr’hy, Ga Ry, Ch’ơm thì phải mang theo cả lương thực, thực phẩm cho 10-15 ngày đường đi bộ. Trên đường thỉnh thoảng gặp tấm bảng cảnh báo “cẩn thận - thú dữ”. Nói như vậy để biết đồng bào vùng cao Tây Giang khao khát có đường sá đi lại thuận lợi, thông thương thuận tiện biết bao nhiêu”, ông Linh chia sẻ.

Ông Bhling Mia, Bí thư huyện ủy Tây Giang, cho biết: Tây Giang bây giờ không chỉ có đường giao thông ô tô vào đến thôn, bản, vào từng khu sản xuất, mà còn có cả “thôn bản kiểu mẫu”, xã nông thôn mới. Ngày ngày, người dân cưỡi xe máy vù vù đi làm nương rẫy. Hàng hóa nông lâm sản được mang xuống Đà Nẵng, Hội An tiêu thụ. Người dân Tây Giang còn có hộ nghèo, nhưng không còn cảnh đói ăn, lạt muối như 10 năm về trước.

Từng lặn lội nhiều ở rẻo cao biên giới Tây Giang, chúng tôi cảm nhận được ở vùng biên này đang từng ngày thay da đổi thịt từng ngày. Đường giao thông đến đâu, điện cũng theo đó mà về. Bây giờ, trung tâm huyện Tây Giang đã thành hình hài một thị tứ với nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán, khách sạn, nhà nghỉ… Các xã nông thôn mới Anông, Lăng, Tr’hy, A Xan… đã hình thành lên các khu dân cư kiểu mẫu, khang trang, sạch đẹp.

“Những kết quả đạt được trong 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang có thể được ví như là một kỳ tích về sự huy động “sức Nước, sức Dân”. Bởi ngay từ khi bắt tay vào công cuộc xây dựng, vấn đề “đau đầu” nhất của Tây Giang là việc thiếu đất đai mặt bằng. Ở trung tâm hành chính huyện, cũng như các xã khác, tất cả đều có địa hình núi cao, vực thẳm, bị chia cách bởi núi sông, nên dân cư sống rải rác trên các triền núi, lưng chừng đồi”, ông Mia bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025. Để góp sức hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ này, hiện nay, UBND huyện Tây Giang đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư một số tuyến giao thông kết nối liên vùng, kết nối không gian trung tâm huyện nhằm sắp xếp, bố trí lại dân cư và tích lũy tiêu chí khi nâng cấp lên thị trấn.

"Một khi hạ tầng giao thông được đầu tư, hoàn thiện thì sẽ tạo động lực thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; đầu tư chợ huyện, một số chợ cụm xã nhằm tăng cường hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của người dân. Sắp xếp, nâng cấp một số điểm du lịch hiện có nhằm tạo cơ sở ban đầu kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng của Tây Giang", ông Lượm nói.

Không chỉ đầu tư xây dựng đường giao thông đến các thôn bản, Tây Giang còn huy động các nguồn lực mở đường giao thông vào khu sản xuất phục vụ vận chuyển hàng hóa, tạo phát triển sản xuất kinh tế.

Góp sức khai phóng tiềm năng, nội lực

Theo ông Lê Hoàng Linh, mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã Anông, xã Lăng sau khi được công nhận đạt chuẩn đang bị chững lại và bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới bị rớt, như tiêu chí về thu nhập, về tổ chức sản xuất. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới cao, khả năng đóng góp của địa phương và người dân còn hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng khu dân cư “nông thôn mới kiểu mẫu”.

“Mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang trong thời gian đến là tạo sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng các khu dân cư “nông thôn mới kiểu mẫu”, nhằm tích lũy “tiêu chí mềm” cho chủ trương xây dựng nông thôn mới’, ông Linh cho hay.

Ông Linh cho biết thêm: Nhìn chung, hiện nay hầu hết các xã trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, người dân sinh sống và làm nghề nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Năng lực, quy mô sản xuất tại các xã còn manh mún, phân tán nên năng suất, sản lượng cây trồng, con vật nuôi đạt thấp; việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa phổ biến; giá cả một số sản phẩm nông dân làm ra không ổn định...

Vì thế, Tây Giang đang hướng đến phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và chương trình Ocop “mỗi xã một sản phẩm”. Kết hợp thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch văn hoá cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và lợi thế của địa phương nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo vươn lên khá giàu.

“Bước đầu hiện nay, Tây Giang đã hình thành một số khu sản xuất chuyên canh lúa, hoa quả và đặc biệt là phát triển vùng dược liệu, cây công nghiệp, điểm du lịch…tạo nên những kỳ vọng, những làn gió mới cho vùng đất biên viễn khai phóng được tiềm năng, nội lực phát triển kinh tế-xã hội”, ông Linh bày tỏ.

Đại Thắng

Cùng chuyên mục