Đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng cùng chung tay "mở đường sáng" cho phum sóc

Đường sá khang trang, nhà xây mọc lên thay những ngôi nhà lá xập xệ, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng trở nên tươi sáng hơn.

Đồng bào chung tay "mở đường sáng" cho phum sóc

Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm ăn, chăm lo cho các gia đình chính sách… Từ đó giúp cho diện mạo vùng đồng bào DTTS thay đổi từng ngày.

Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), từng địa phương trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đường sá được đầu tư xây dựng bằng bê tông nhựa tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông.

Điển hình tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - nơi có hơn 70% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, xã Tham Đôn được xem là xã nghèo của huyện Mỹ Xuyên, đường giao thông đi lại rất khó khăn, người dân thiếu nước ngọt để dùng cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.

Tuy nhiên, sự thay da đổi thịt nhờ được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng. Nhất là sự đồng lòng, vào cuộc của cấp ủy, Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của bà con đồng bào DTTS trong việc hiến đất, góp ngày công làm đường.

Đến nay, xã Tham Đôn đã xây dựng và hoàn thành nhiều công trình hạ tầng cơ sở, tổ chức phát triển sản xuất bền vững, sớm đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện Mỹ Xuyên.

Anh Danh Út (ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi chia sẻ: "Nhờ chính quyền địa phương quan tâm đầu tư con lộ bê tông nối liền với trung tâm xã mà người dân vùng đồng bào dân tộc cũng ăn nên làm ra.

Người dân trồng rau, trồng màu đến kỳ thu hoạch là có xe tải nhỏ đến thu mua, không phải tốn công, tốn phí vận chuyển nữa. Nhờ vậy, mà thu nhập của gia đình tôi cũng khá hơn, ổn định hơn, đã có của ăn của để trong nhà.

Khi biết Nhà nước có chủ trương mở đường giao thông nông thôn, gia đình ông nhiệt tình ủng hộ và vận động thêm bà con xung quanh cùng nhau hiến đất, mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đi lại dễ dàng hơn, lộ giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi và là động lực để người dân chăm lo phát triển kinh tế gia đình ổn định".

Anh Danh Đa (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi chia sẻ: "Khi được chính quyền địa phương thông báo dự định đầu tư đường giao thông, bản thân tôi và gia đình đã quyết định hiến một phần đất làm rẫy, với giá trị kinh tế lên đến hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông, vi khi làm đường giao thông giúp cho việc đi lại của người dân trong ấp được thuận lợi, học sinh đi lại an toàn, nhất là vào mùa mưa không còn lo lầy lội nữa".

Theo lãnh đạo UBND xã Tham Đôn, nhờ được các cấp các ngành quan tâm đầu tư nhiều công trình, phần việc kịp thời, giúp bà con vùng đồng bào DTTS của xã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.

Từ đó, diện mạo nông thôn đổi mới, nhà cửa khang trang, những con đường hai bên hoa nở rực rỡ hoặc xanh mát bóng cây, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào nơi đây.

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, những xã vùng đồng bào DTTS như Tham Đôn, Thạnh Quới, Viên Bình… xuất phát điểm trong xây dựng NTM còn nhiều khó khăn.

Song với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nỗ lực vượt khó của người dân, đoàn kết thực hiện các tiêu chí của chuẩn NTM đã đem lại sự khởi sắc cho làng quê.

Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục chăm lo, đầu tư hạ tầng cơ sở cho vùng đồng bào dân tộc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, toàn tỉnh có 102 tuyến đường huyện, đường ô tô đã đến được trung tâm của 109/109 xã, phường, thị trấn, kết nối được với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh… thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng.

Các ban ngành quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, có nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng hiệu quả và lồng ghép với các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, vốn xây dựng NTM, vốn đào tạo nghề nông thôn…

Chính quyền địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2 - 2,5%. Riêng, đồng bào DTTS giảm hàng năm từ 2,5 - 3,5%.

Theo ông Thạch Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, nhờ các cấp, các ngành luôn quan tâm châm lo đời sống cho vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, diện mạo phum sóc cũng thay đổi rõ rệt.

Từ đó, giúp bà con đồng bào DTTS nhận thấy được lợi ích lâu dài của việc đầu tư làm đường sá. Từ sự đồng lòng của người dân, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày một khởi sắc hơn.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình chăm lo đời sống cho bà con vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là chăm lo phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, quan tâm nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn để bà con đi lại an toàn.

Cùng chuyên mục