Cầu, cống dân sinh nâng bước vùng cao Quảng Ngãi

Lê Đức

Nhiều công trình cầu, cống dân sinh được đầu tư ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã nâng bước các địa phương lên tầm cao mới.

Đồng bào Ca Dong có cầu nên không còn sợ lũ cuốn trôi

Cầu A Xin, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây được đầu tư xây dựng bắc qua suối A Xin hoàn thành đưa vào sử dụng chẳng khác nào chiếc đòn bẩy nâng bước cho vùng đất giữa Trường Sơn.

Không những vậy, công trình giao thông này còn xóa đi cảnh chia cắt và đặc biệt là không còn những vụ đuối nước thương tâm như trước.

Cầu bắc qua suối A Xin, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây đã xóa đi bao trắc trở và nỗi lo bị lũ cuốn trôi của người dân nơi đây.

Với nhiều người dân xã Sơn Tinh, đa phần đồng bào Ca Dong sinh sống, câu chuyện đuối nước hay học sinh, người dân địa phương bị lũ cuốn trôi khi qua suối A Xin đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Thế nên, khi cầu A Xin được khánh thành đưa vào sử dụng đã giúp người dân sống bên kia dòng suối không còn nỗi lo cách trở như trước.

Anh Đinh Văn Kỳ, ở thôn A Xin, xã Sơn Tinh cho biết: Từ ngày có cây cầu, bản thân anh và bà con nhân dân địa phương đi lại không còn sợ nước lũ tràn về, việc khai thác nông, lâm sản không còn phụ thuộc vào thời tiết, giá bán cũng cao hơn.

Ở huyện vùng cao như Sơn Tây, mạch nối giữa các bản làng, những xóm nhà nằm chênh vênh bên triền núi là những dòng sông, con suối. Và điểm chia cắt giữa các xóm làng cũng chính là những con sông, con suối. Thế nên, việc đầu tư xây dựng cầu, cống bắc qua các sông suối luôn là niềm mong đợi của chính quyền và người dân nơi đây.

Từ chỗ người dân phía bên kia suối Ka Sim (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) thường xuyên rơi vào cảnh bị chia cắt mỗi khi mùa mưa lũ đến, một số trường hợp đau ốm nhưng không thể đưa lên viện cấp cứu được vì nước dâng cao và chảy siết và còn nhiều nỗi lo khác của người dân nơi đây. Thế nhưng, từ khi công trình cầu dân sinh Ka Rá bắc qua suối Ka Sim được đầu tư xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giải tỏa những nỗi lo của người dân sở tại.

Theo UBND xã Son Dung, công trình cầu Ka Sim không chỉ giải quyết bài toán giao thông đi lại mà công trình còn mang nhiều ý nghĩa trong đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cầu Trà Bao, ở xã Sơn Trà (Trà Bồng) hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân, mặc dù địa phương đã nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Vì thế, 7 công trình cầu dân sinh được xây dựng từ dự án Cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP) trên các trục giao thông lớn đã góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân quanh vùng dự án.

Tháo gỡ những "nút thắt" về hạ tầng giao thông của địa phương, tạo động lực lớn để các xã chuyển mình. Đặc biệt, những ám ảnh về lũ ống, lũ quét và mưa rừng làm trôi người đã không còn.

Tạo động lực phát triển kinh tế vùng khó khăn

Phía bên kia dãy rừng già xanh mát mắt chia cắt huyện Sơn Tây là các xã khu tây của huyện Trà Bồng, nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Cor. Dù chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều công trình phát triển hạ tầng, song với địa hình đồi dốc và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Thế nên, việc đầu tư cầu, cống là điều người dân mong chờ.

Cùng người dân trong thôn thong dong trên cây cầu mới bắc qua suối Nước Niu, ở xã Trà Phong (Trà Bồng) được đầu tư từ nguồn vốn thuộc dự án LRAMP, ông Hồ Văn Ơn, xã Trà Phong bảo rằng, từ ngày có cây cầu, mọi người không còn phải dè chừng mưa rừng, không còn nỗi lo con trẻ bị lũ cuốn như trước đây. Đặc biệt, lâm nông sản người dân làm ra từ ruộng giờ chuyển về nhà cũng thuận lợi hơn.

“Từ ngày có cầu, thanh niên bắt thêm mấy bóng điện thắp sáng đường quê. Tự dưng quê nhà như đổi thay một cách rõ nét”, ông Ơn chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, ngoài cầu Nước Niu, trên địa bàn huyện còn triển khai xây dựng 6 cầu, cống khác từ nguồn vốn của dự án LRAMP như: cầu Nà Hú (Trà Hiệp), Xà Mút (Trà Lâm), Nà Krét (Sơn Trà)... Hầu hết các công trình đã đưa vào sử dụng, và phát huy hiệu quả.

“Các công trình cầu dân sinh được đầu tư từ nguồn vốn thuộc dự án LRAMP đang từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của huyện, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nhất là kết nối thông suốt giữa các thôn, xã, xóa cảnh chia cách, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Ngọc nói.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các công trình cầu, cống không chỉ đảm bảo về giao thông mà còn tạo sức bật trong phát triển kinh tế-xã hội tại các xã vùng cao.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, sau hơn 5 năm triển khai đầu tư xây dựng công trình cầu, cống trên địa bàn các huyện miền núi, xã khó khăn thuộc dự án LRAMP, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 50 công trình cầu dân sinh. Nhờ đó đã xóa cảnh chia cách đò giang, tạo sức bật cho nhiều vùng khó trở mình.

Được biết, thực hiện dự án LRAMP, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được đầu tư 60 cầu dân sinh và phân chia thành 7 dự án thành phần với tổng kinh phí gần 125 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.

Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong cho rằng, các công trình cầu dân sinh được đầu tư từ nguồn vốn chương trình dự án LRAMP và các chương trình khác được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rất lớn trong giao thông, giao thương và bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời, góp phần phát triển giao thông nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng sa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Lê Đức

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục