Bạt đồi, nắn đường để phát triển kinh tế cho bà con dân tộc Hre

Lê Đức

Để mở đường mới, nhà thầu phải bạt đồi, đào núi, nắn con đường thẳng thớm, tránh tạo ra những góc cua hoặc con dốc quá lớn để bà con dễ đi...

Những năm qua, huyện Ba Tơ đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc Hre.

Những con đường xẻ núi, vượt sông về với bản làng

Hàng chục năm qua, các xã Ba Trang, Ba Khâm, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, được xem là “vùng sâu vùng xa” của huyện nghèo Ba Tơ. Bởi lẽ, hai xã này cách trung tâm huyện hơn 20km và giao thông đi lại chỉ là đường đất. Đa phần người dân thường đi qua địa phận TX. Đức Phổ vòng theo Quốc lộ 24 về trung tâm huyện.

Huyện Ba Tơ đã tập trung đầu tư hàng chục kilômét đường giao thông dẫn về các xã vùng xâu, vùng xa góp phần kéo các địa phương này gần trung tâm huyện hơn.

Xác định việc mở thế cô lập cho hai xã khó khăn này là điều cần thiết nên Ban thường vụ Huyện ủy Ba Tơ đã thể hiện quyết tâm đầu tư tuyến đường để kéo vùng đất giáp ranh với tỉnh Bình Định về trung tâm huyện gần hơn. Theo đó, qua nhiều năm “đi xin”, cùng với nguồn lực tại chỗ, huyện Ba Tơ cũng bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án.

Sau nhiều tháng đầu tư, đến nay tuyến đường thị trấn Ba Tơ- Ba Trang - Ba Khâm (Ba Tơ) có tổng chiều dài khoảng 20km, tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Để mở con đường mới, nhà thầu phải bạt những quả đồi, đào những ngọn núi để nắn con đường thẳng thớm, tránh tạo ra những góc cua hoặc con dốc quá lớn.

Đi lại trên tuyến giao thông mới được đầu tư dẫn về vùng đất nghèo Ba Trang chúng tôi bắt gặp những đoàn xe tải chở nông sản rầm rập rời làng chở hàng về xuôi. Cạnh đó, người dân địa phương đi lại rộn ràng và không còn cảnh lội bùn, né ổ gà như trước.

Anh Đinh Văn Treo, xã Ba Khâm bảo, từ ngày huyện làm con đường, bà con ở đây lên huyện trong tích tắc là tới. Xe máy chạy không còn bị bùn đất, cây rừng quấn ngang nữa. Đây là con đường mà người dân các xã Ba Trang, Ba Khâm mong đợi suốt mấy chục năm qua.

“Có con đường thì giá thu mua nông sản như keo, mì, trâu thịt cũng tăng 1,5 lần so với khi chưa có đường. Trong khi giá cung ứng hàng hóa thiết yếu giảm xuống gần bằng với mức giá ở trung tâm huyện, nhờ vận chuyển thuận lợi. Bà con chúng tôi hưởng lợi rất lớn từ con đường”, anh Treo chia sẻ.

Ngược về phía tây, người dân xã Ba Dinh và thị trấn Ba Tơ tỏ ra vui mừng vì từ nay tuyến giao thông trục chính của địa phương dẫn về xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành đã được bê tông hóa kiên cố và đưa vào sử dụng sau 3 năm xây dựng.

Với chiều dài hơn 16km, tổng vốn đầu tư hơn 116 tỷ đồng, tuyến giao thông “xẻ núi vượt sông” đã mở ra trang mới cho vùng đất dọc theo sông Liêng. Đồng thời, là tuyến đường “chia lửa” với QL24 trước lưu lượng phương tiện ngày càng tăng lên. Đồng thời, tuyến giao thông này còn mở ra “con đường nông sản” để khai thác có hiệu quả quỹ đất phía tây của huyện.

Công trình cầu Nước Lô bắc qua sông Nước Lô đã giúp người dân địa phương thoát cảnh đò giang và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Trở về nhà sau một ngày ra đồng, đi qua cây cầu bê tông bắc qua sông Nước Lô, xã Ba Giang, ông Phạm Văn Ơn, thôn Gò Khôn, không giấu được niềm vui khi mà cảnh cách trở đò giang đã không còn nữa. Đặc biệt là vào mùa mưa lũ, vùng đất bên kia sông không còn cảnh bị cô lập, người dân cũng không còn cảnh “chờ hàng cứu trợ” như trước vì có cầu vượt lũ nên giao thông thuận lợi.

Với nhiều người dân nơi đây, công trình cầu Nước Lô ngoài xóa đi cảnh đò giang thì còn là đòn bẫy trong phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là giúp các bậc phụ huynh không còn lo lắng mỗi khi con em đến trường trong mùa mưa lũ.

Xây mới hàng trăm cầu cống, kéo vùng khó phát triển

Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận, xác định giao thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên địa phương luôn chú trọng duy tu, sửa chữa, khắc phục hư hỏng các tuyến đường do huyện quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng mới các công trình.

Được biết, ngoài xây dựng đường giao thông thì trong 5 năm qua, huyện Ba Tơ còn xây dựng 35 cầu lớn, 276 cầu bản và cống các loại. Đến nay, 100% tuyến đường huyện đã và đang được đầu tư xây dựng cầu kiên cố... từ nhiều nguồn vốn của trung ương và tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư đồng bộ, kết nối trung tâm huyện với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, 100% xã đã có đường nhựa hóa, cứng hóa, ô tô lưu thông từ huyện đã đến tận trung tâm xã.

Giao thông huyện vùng cao Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước được hoàn thiện giúp người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng giao thông được đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và trung ương cũng góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của huyện. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất tại huyện Ba Tơ là tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn miền Tây Quảng Ngãi chạy qua các xã Ba Thành, Ba Vinh, Ba Điền kết nối với huyện Minh Long và huyện Sơn Hà.

Theo UBND huyện Ba Tơ, ngoài các công trình được đưa vào sử dụng, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm như: Tuyến đường thị trấn Ba Tơ - Nước Đang; cầu vượt lũ Nước Lếch (xã Ba Lế); tuyến đường Ba Bích - Ba Lế - Ba Nam… Đồng thời, địa phương cũng lồng ghép các chương trình dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chương trình xây dựng nông thôn mới… để tập trung đầu tư hệ thống đường làng, ngõ xóm, trục chính nội đồng.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, Huyện Ba Tơ xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân là yêu cầu cấp thiết. Do đó, nhiều công trình giao thông nối trung tâm huyện lỵ với các vùng khó khăn dần hình thành đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

“Trong thời gian tới, ngoài tăng tốc hoàn thiện các công trình đang thi công dang dở, huyện sẽ phân bổ kinh phí để đầu tư các công trình, hạng mục đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện các đề án phát triển giao thông theo kế hoạch vốn được giao để hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Vinh cho hay.

Trong 5 năm qua, huyện Ba Tơ đã đầu tư hàng trăm cầu, cống góp phần xóa cảnh đò giang, chia cắt các địa phương khi mùa mưa lũ về.

Lê Đức

Cùng chuyên mục