"Rót" hàng chục nghìn tỷ xóa cảnh ùn tắc, tai nạn
Những năm gần đây, QL19 từ Gia Lai đến Bình Định trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người tham gia giao thông bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Quy mô hai làn xe, mặt đường nhỏ hẹp khoảng 7-9m chỉ đáp ứng tốc độ di chuyển thấp chỉ 50 - 60km/h và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thời gian cho lộ trình từ Bình Định đến Gia Lai trên QL19 không dưới 6 tiếng.
Nhiều dự án giao thông đang được gấp rút triển khai để khơi thông điểm nghẽn kết nối cho các tỉnh miền núi - Ảnh minh họa
Thế nhưng, nỗi lo tai nạn, ám ảnh tắc đường trên tuyến quốc lộ quan trọng này sắp được giải tỏa khi dự án nâng cấp QL19 đã được khởi động từ tháng 9/2021.
Đại diện Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) cho biết, dự án nâng cấp QL19 có chiều dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định được đầu tư với quy mô cấp 3, hai làn xe, bề rộng mặt đường 11m, vận tốc thiết kế 80km/h với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
“Hiện nay, 6/8 gói thầu xây lắp thuộc dự án đã được triển khai. Hai gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu để triển khai ngay trong quý 1/2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023”, vị này nói và cho biết, sau khi dự án đưa vào sử dụng, thời gian phương tiện di chuyển chặng Bình Định - Gia Lai rút ngắn chỉ còn khoảng 5 tiếng, kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Cũng trong năm 2021, Bộ GTVT đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Chợ Mới - Bắc Kạn.
Theo quyết định, dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 28km, từ cuối cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đến giao cắt QL3B, kết nối đường Bắc Kạn - Ba Bể. Dự án được thiết kế quy mô cao tốc với tốc độ thiết kế 80 km/h; nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
Đánh giá về dự án này, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho biết, Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao có lợi thế về tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và du lịch.
Kết nối giao thông phát triển kinh tế địa phương hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trục xương sống QL3. Đây là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối từ các tỉnh: Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội.
Dù những năm gần đây, tuyến này đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/h, các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông khó khăn nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông cục bộ. Việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chuyển biến chậm, khả năng thu hút vốn đầu tư còn thấp.
“Do đó, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng góp phần phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc”, TS. Đức nói.
Theo đánh giá, tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn hoàn thành sẽ hình thành một tuyến đường cao tốc dài gần 70km, rút ngắn thời gian đi lại giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn từ 2 - 3 giờ (di chuyển trên QL3) xuống chỉ còn 1 giờ.
Hiện dự án Chợ Mới - Bắc Kạn đang được chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục liên quan để thực hiện GPMB từ quý 1/2022, khởi công dự án vào quý 4/2022 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2025.
Hạ tầng giao thông phát triển, nhiều địa phương vùng cao sẽ có cơ hội thoát khỏi "rốn nghèo", chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao - Ảnh minh họa
Tiếp tục phát triển giao thông xóa “rốn nghèo” vùng Tây Bắc
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Sinh, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng, những năm gần đây, hạ tầng giao thông của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ việc quy hoạch, đầu tư mới đến cải tạo nâng cấp, giúp các tỉnh có hạ tầng tốt hơn thúc đẩy giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, hiện, vùng núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng có hạ tầng KT-XH thấp kém nhất.
“Kết nối đến các tỉnh miền núi phía Bắc bao năm qua vẫn là chủ yếu những con đường như: QL6, QL4D, QL32 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất ATGT, trượt lở đất và ngập lụt vào mùa mưa vẫn luôn thường trực.
Năng lực giao thông còn yếu khiến nhiều địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vẫn là “rốn nghèo” của cả nước, là vùng lõm phát triển kinh tế của vùng. Riêng Sơn La dù đang vươn lên trở thành thủ phủ về sản lượng cây ăn quả của vùng nhưng hành trình xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều gian nan”, ông Sinh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sinh, ưu tiên hàng đầu là cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, ưu tiên phát triển kết nối giao thông đồng bộ lên Tây Bắc.
“Xây dựng hạ tầng giao thông miền núi có đặc thù là suất đầu tư cao, khả năng cân đối nguồn lực trong một kỳ trung hạn là tương đối khó khăn. Song, nếu không đầu tư về giao thông, khó có thể xóa “lõi nghèo”, phát triển kinh tế - xã hội để người dân Tây Bắc khá hơn, có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của cả nước
Quy hoạch tổng thể, vùng Tây Bắc có hai tuyến cao tốc. Trong đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai đã đầu tư và đưa vào khai thác, tạo nên tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Bắc với vùng Thủ đô.
Tuyến Hòa Bình - Mộc Châu - Điện Biên đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch. Trong đó, riêng đoạn Hòa Bình - Mộc Châu nếu được đầu tư, Sơn La nói chung và Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng sẽ phát huy được tiềm năng du lịch sẵn có, thúc đẩy KT-XH phát triển mạnh hơn”, ông Sinh nói.
Để khơi thông hạ tầng, tạo động lực cho các tỉnh miền núi phát triển, cuối tháng 12/2021, Bộ GTVT đã khởi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc với quy mô gồm 2 tuyến: Tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài gần 147km; Cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60 km/h, một số đoạn khó khăn cấp IV miền núi; Tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài gần 53 km; Cấp IV miền núi vận tốc thiết kế 40 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024.
Cùng đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Giang nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đang được Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chủ trương đầu tư vào Quý 3/2022, và triển khai lập dự án đầu tư từ Quý 4/2022.