Tuyên truyền đúng cách, dễ hiểu, tỷ lệ đội MBH người dân miền núi sẽ cao

Nam Khánh

Chủ tịch Quỹ AIP cho rằng, cần có bộ tài liệu tuyên truyền phù hợp văn hóa vùng miền để việc thực thi quy định đội MBH tại miền núi hiệu quả hơn

Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm vùng cao còn thấp

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) cho rằng, để nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm (MBH) tại các tỉnh miền núi, cơ quan chức năng Việt Nam, đặc biệt là cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần xây dựng những bộ tài liệu phù hợp với đặc thù vùng miền để người dân dễ tiếp cận, từ đó nâng cao tính tự giác chấp hành.

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ AIP trong một chương trình thực hiện dự án mũ bảo hiểm tại Việt Nam

Quá trình thực hiện các dự án ATGT tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thực trạng thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) tham gia giao thông của người dân các tỉnh miền núi Việt Nam hiện nay?

Tỷ lệ đội MBH của người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em tại các tỉnh miền núi của Việt Nam còn thấp.

Khảo sát tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Yên Bái và Tuyên Quang cho thấy tỷ lệ trẻ em đội MBH khá thấp. Tại Yên Bái là 13%, Tuyên Quang là 15% và Thái Nguyên là 16%.

Với đặc thù đường sá ở vùng cao, theo ông, nguy cơ tai nạn, thương tật người dân các tỉnh miền núi có thể gặp phải khi để “đầu trần” điều khiển phương tiện tiềm ẩn như thế nào?

Tôi từng đi khảo sát trên một số cung đường và nhận thấy rằng, hạ tầng ở đây dù đang được đầu tư cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro.

Tỷ lệ sử dụng MBH thấp và chưa có thói quen sử dụng MBH đạt chuẩn dẫn đến nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong cao khi có va chạm giao thông.

Với đặc trưng văn hóa vùng miền, việc thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông cần một chiến lược và chương trình đồng bộ. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với nỗ lực và sáng kiến tuyệt vời của Ủy ban ATGT Quốc gia là thiết kế và trao tặng những chiếc MBH đặc biệt cho phụ nữ dân tộc Thái bên cạnh việc đưa ra nhiều chương trình hành động để khuyến khích các tổ chức quốc tế như chúng tôi thực hiện các hoạt động tại các tỉnh miền núi.

Bên cạnh nỗ lực cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, sự đa dạng, phù hợp của công tác tuyên truyền sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao sự tự giác chấp hành quy định đội MBH của người dân miền núi - Ảnh minh họa

Tuyên truyền với mọi lứa tuổi, không riêng người tham gia giao thông

Với những điều “mắt thấy, tai nghe” trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các dự án, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, đặc biệt là quy định đội MBH tại các tỉnh vùng cao Việt Nam hiện nay?

Khi làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, một phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi do trường của con gái tôi rất gần nhà nên chị nghĩ không cần đội MBH khi ngồi trên phương tiện 2 bánh.

Một ngày nọ, con gái chị về nhà với nhiều vết xước ở tay và chân vì bị ngã xe. Rất may mắn đã không có hậu quả nghiêm trọng vì con đã có MBH bảo vệ khi đầu bị đập xuống đường. Sau lần đó, chị đã chia sẻ với hàng xóm để mong rằng họ cũng đội MBH cho bản thân và con của họ.

Nói vậy để thấy rằng, kiến thức pháp luật về ATGT và nhận thức về nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra khi không chấp hành đúng luật giao thông đường bộ nói chung, quy định về đội MBH khi tham gia giao thông nói riêng của người dân các tỉnh miền núi còn có những “lỗ hổng” nhất định, đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục hơn nữa.

Theo ông, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cơ quan chức năng cần có kế hoạch, phương pháp tuyên truyền như thế nào để quy định pháp luật về ATGT nói chung, quy định về đội MBH nói riêng dễ đi vào cuộc sống của người dân hơn?

Với đặc thù văn hóa vùng miền khác nhau, tôi cho rằng, bên cạnh nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các cơ quan đầu mối địa phương như Ban ATGT các tỉnh cần xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền để có thể tiếp cận dễ hơn với người dân. Chương trình tuyên truyền cần tiếp cận với tất cả mọi lứa tuổi không chỉ riêng người tham gia giao thông.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã có một sáng kiến tuyệt vời mang tính bền vững cao khi phối hợp cùng doanh nghiệp trao tặng MBH cho học sinh lớp 1 trong 3 năm liên tục. Đây là một sáng kiến hay để tăng tỷ lệ đội MBH đạt chuẩn cho trẻ em.

Là tổ chức thường xuyên triển khai các dự án cộng đồng góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ATGT về đội MBH, nâng cao sự an toàn cho người dân Việt Nam, Quỹ AIP đã triển khai các dự án điển hình nào liên quan đến quy định về MBH tại các tỉnh miền núi Việt Nam? Những dự án nào sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới?

Quỹ AIP đã xây dựng một hệ thống các mối quan hệ hợp tác công tư để xây dựng kế hoạch hoạt động liên quan đến các dự án thay đổi nhận thức, can thiệp cải thiện cơ sở hạ tầng các khu vực trong, quanh trường học.

Vào năm 2014, Quỹ AIP đã phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD-ĐT, tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc, Chương trình hợp tác đường bộ toàn cầu và Quỹ liên đoàn mô tô quốc tế triển khai “Chương trình hành động quốc gia về MBH cho trẻ em”. Chương trình đã gắn kết các tổ chức quốc tế với lãnh đạo 15 địa phương bao gồm cả miền núi và đồng bằng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tuần tra xử lý vi phạm, trao tặng mũ MBH đạt chuẩn nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng MBH.

Tại một số điểm trường thuộc dự án tại các tỉnh như: Thái Nguyên, Yên Bái và Tuyên Quang, tỷ lệ đội MBH trung bình của học sinh đã tăng từ 15% lên 86% sau khi thực hiện dự án.

Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các dự án “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” tại các tỉnh miền núi phía Bắc Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình với mong muốn tiếp cận sâu hơn với các đối tượng đích để việc tuyên truyền đến được với người tham gia giao thông.

Cảm ơn ông!

Nam Khánh

Cùng chuyên mục