Hạ tầng giao thông kéo gần khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa và phố thị

Quang Minh

Việc đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông được coi là nhân tố quyết định để từng bước rút ngắn khoảng các các vùng miền của Quảng Ninh.

Ngày nay, đến khu vực biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh có thể nhận thấy được đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - văn hóa – xã hội được đầu tư toàn diện.

Đây chính là kết quả của việc triển khai đồng bộ, toàn diện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua.

Trong đó, việc đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển được coi là nhân tố quyết định để từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền của Quảng Ninh.

QL18C qua từ TP Móng Cái đi huyện Hải Hà trên vành đai biên giới đang được sửa chữa, nâng cấp

Kết nối chặt chẽ hệ thống giao thông đường bộ trên biên giới

Trên khu vực biên giới bộ của Quảng Ninh có gần 120km đường biên nằm trải dài từ huyện Bình Liêu, Hải Hà ra TP Móng Cái.

Do điều kiện địa hình nhiều đồi, núi, sông suối chia cắt, vì thế một thời gian dài, do nguồn lực hạn chế, giao thông đi lại ở khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, chủ yếu bằng đường đất nhỏ hẹp, đèo núi quanh co.

Thực trạng này đã khiến cho kinh tế, xã hội của nhiều xã, thôn, bản khu vực giáp biên của Quảng Ninh còn lạc hậu, nhiều vùng trải dài hàng chục cây số còn "trắng" về điểm dân cư.

Xác định giao thông là điều kiện tiên quyết để từng bước xóa bỏ cơ cấu kinh tế tự cung, tự cấp do cách trở về giao thương, đi lại, tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa các nguồn lực để nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo sự liên thông, liên kết giữa các vùng, các địa phương trên vành đai biên giới.

Năm 2016, khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam có quyết định chuyển tuyến Tỉnh lộ 341 thành QL18C, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng đầu tư tuyến đường này một cách đồng bộ, nối liền các khu cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) - Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến QL18C có chiều dài gần 80km, trong đó đoạn nối từ cửa khẩu Hoành Mô đến Đồng Văn (Bình Liêu) dài gần 7km được đầu tư nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III, cấp V miền núi.

Cũng trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đầu tư tuyến đường vành đai biên giới kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến quốc lộ (18A - 18B - 18C), hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Việc nâng cấp các công trình giao thông nêu trên đã tạo nên sự kết nối khép kín của 3 tuyến quốc lộ, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Mặt khác, khi giao thông được kết nối đồng bộ, chính quyền các xã biên giới có điều kiện thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông xương cá vào từng thôn, bản phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, 100% thôn, xã khu vực biên giới đất liền của Quảng Ninh có đường bê tông, từ đó đời sống của bà con các đồng bào dân tộc ngày càng có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Giao thông liên bản, liên xã tại huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

Chị Phùn Nhì Múi, nhà ở bản Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho biết: Trước đây, từ bản xuống trung tâm xã đường đất nhỏ hẹp, vào mùa mưa thường xuyên bị chia cắt bởi lũ ngập ngang đường, nên bà con tự cung, tự cấp. Giờ đường mở, giao thông thuận tiện, hàng hóa làm ra tiêu thụ được giá, nhà tôi từ hộ nghèo nhiều năm, nay đã vươn lên khá giả, có nhà kiên cố, có xe máy, ti vi…

Nâng tầm kinh tế khu vực biển, đảo

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới.

Cảng tàu quốc tế Hòn Gai đã và đang phát huy hiệu quả

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khu vực biển, đảo, cùng với đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng, biển trọng điểm, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng giao thông cho các địa phương vùng biển, đảo.

Chỉ tính riêng số phương tiện phục vụ đưa đón khách du lịch ra các tuyến đảo thuộc huyện Vân Đồn, Cô Tô Công hiện nay của Quảng Ninh là 109 chiếc, trong đó có 81 tàu cao tốc, 21 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ sắt, 2 tàu composit.

Ngoài ra, khu vực vùng biển của Quảng Ninh cũng còn có hàng vạn phương tiện thường xuyên lưu thông, làm ăn. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống cầu tàu, bến cảng cho các phương tiện thủy vào neo đậu, nhất là phục vụ công tác tránh, trú bão được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.

Với các nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm đến nay, các công trình bến cảng, âu tầu của Quảng Ninh đã cơ bản đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cậu vận chuyển đi lại trên hệ thống đường thủy nội địa.

Điển hình, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại khu vực Cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) được khởi công từ cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 này.

Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão có diện tích 96,4ha với quy mô 1.200 tàu, thuyền và có 29 phao neo. Cảng cá được đầu tư giai đoạn 1 có diện tích 2,2ha gồm bến cho tàu cá dài 170m và khu dịch vụ hậu cần sau bến có diện tích 0,85ha, phần diện tích còn lại được xây kè, san lấp mặt bằng.

Khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng kết hợp với cảng cá Cái Rồng (huyện Vân Đồn) sắp được đưa vào sử dụng

Song song với đó, hệ thống giao thông trên các xã đảo, huyện đảo của Quảng Ninh cũng được đầu tư hoàn thiện đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Như Cô Tô, từ một huyện nghèo, xa xôi, nhờ các nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông cùng các thiết chế khác, nơi đây đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, một trong những trọng điểm về kinh tế biển của Quảng Ninh.

Hệ thống đường bê tông trên các xã đảo, huyện đảo của Quảng Ninh được hoàn thiện đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Hạ tầng giao thông ở khu vực biên giới, hải đảo được hoàn thiện đã giúp cho công cuộc giảm nghèo đa chiều trong nhân dân nói chúng, đồng bào dân tộc nói riêng của tỉnh ngày càng bền vững hơn.

Quang Minh

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục