Trong lòng đường có lòng dân xứ đạo
Đầu năm 2021, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) triển khai dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã Tam Thanh (Vụ Bản) - Yên Lương (huyện Ý Yên) theo phương châm xây dựng nông thôn mới, nghĩa là nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng.
Do đường cũ trước chỉ rộng 5m, nay mở rộng lên 7m, nên số hộ dân nằm dọc tuyến đường có đất, công trình thuộc diện phải giải phóng rất lớn.
Riêng đoạn chạy qua địa bàn thôn Phú Thứ (xã Tam Thanh) cũng là giáo xứ Phú Thứ có khoảng 70 hộ; cổng, tường bao nhà thờ giáo xứ Phú Thứ dài trên 100m cũng thuộc diện phải giải phóng.
Chính quyền địa phương có tại hiện trường giáo dân xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định)
Vì lợi ích chung, Linh mục Giuse Tạ Ngọc Nghiệp, Giáo xứ Phú Thứ đã bàn bạc, thống nhất quyết định tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao của nhà thờ, xây lùi lại vào phía trong để hiến đất cho dự án.
“
Ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Uỷ MTTQ tỉnh Nam Định cho biết, hơn 10 năm qua, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo trong tỉnh đã có việc làm cụ thể, thiết thực.
Nổi bật là phong trào "Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng" với nhiều nội dung thiết thực như hỗ trợ nhau phát triển kinh tế; giữ gìn an ninh trật tự; đóng góp, ủng hộ xây dựng nông thôn mới... trong đó có hoạt động hiến đất, góp tiền bạc, công sức cùng nhà nước, nhân dân địa phương nâng cấp, làm mới những tuyến đường giao thông.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, đồng bào công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm.
”
Không chỉ có vậy, Linh mục còn trực tiếp cùng lãnh đạo xã đến từng gia đình mời gọi bà con cùng hiến đất.
Theo lời mời gọi của Linh mục, 70 hộ dân trong giáo xứ đã tình nguyện làm theo, tháo dỡ công trình, tường bao trên diện tích phải giải tỏa…
Từ ngỡ ngàng đến sẵn sàng hiến đất
Phú Thứ không phải là xứ đạo đầu tiên, duy nhất ở Nam Định có phong trào giáo dân hiến đất làm đường.
Đi trên con đường Dây Nhất (dài 10 km, qua địa bàn các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình của huyện Nghĩa Hưng) hiện đại ngày nay, ít người biết để có công trình giao thông đã và đang làm thay đổi mọi mặt đời sống miền ven biển Nghĩa Hưng này, nhiều hộ dân ở đây đã tự nguyện hiến, góp rất nhiều đất cho công trình.
Theo ông Trần Đức Hiệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nghĩa Lạc, đây là địa phương có dân số gần như toàn tòng công giáo.
Ông nhớ lại: "Ít năm trước, khi biết dự án mở rộng, nâng cấp đường được triển khai, ngoài niềm vui có đường mới, nhiều hộ ở hai bên đường còn hy vọng sẽ được nhận một khoản đền bù. Tuy nhiên, khi biết dự án không có kinh phí đền bù mà kêu gọi người dân hiến, góp đất, bà con hơi "chưng hửng", nhiều người không đồng tình".
Tuyến đường khang trang tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định)
Nam Định là tỉnh có đông đồng bào theo đạo Công giáo. Địa bàn tỉnh có giáo Giáo phận Bùi Chu, một phần Giáo phận Hà Nội, hiện 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ; có 1 Giám mục, 227 linh mục; có trên 47 vạn giáo dân (25% dân số toàn tỉnh) sinh sống ở 199/229 xã, phường, thị trấn (trong đó có 83 xã, thị trấn giáo dân chiếm trên 30% dân số); đạo Tin lành có 2 Hội Thánh với khoảng gần 800 tín đồ...
Theo ông Hiệt, điều này cũng thật dễ hiểu, bởi thời buổi "tấc đất, tấc vàng". Khi đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp ở địa phương đã kiên trì tuyên truyền, phổ biến phương châm, cơ chế thực hiện dự án tới người dân, nhiều cuộc họp được tổ chức.
Khi được thông tin đầy đủ dần dần ai cũng nhận thấy tuy không được nhận tiền đền bù nhưng khi đường được mở rộng, nâng cấp sẽ thúc đẩy KT-XH phát triển, mở ra cho người dân địa phương nhiều cơ hội, hướng làm ăn mới.
"Từ chỗ phản đối hoặc do dự, 70 hộ dân trong xã phải giải tỏa mặt bằng đã đồng thuận hiến gần 1.500 m2 đất. Có người như ông Thành (xóm 7, Đồng Lạc) không chỉ hiến đất mà còn tự nguyện dỡ hẳn chiếc mái hiên vừa đầu tư xây dựng hết 26 triệu đồng. Để nêu gương, mấy anh em trong gia đình tôi cũng đã hiến tổng cộng 250 m2 đất mặt đường...", ông Hiệt chia sẻ.
Không chỉ hiến, góp đất, nhiều chức sắc đạo Công giáo ở Nam Định còn hăng hái, tận tâm, trách nhiệm trong việc quyên góp tiền bạc thực hiện việc làm đường.
Về xứ đạo Hải Điền (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu), đi trên những con đường dài rộng, đổ bê-tông khang trang, hai bên rợp bóng cây xanh, sắc hoa mười giờ, PV được ông Hoàng Văn Mạnh, Chủ tịch Uỷ MTTQ xã Hải Đông khoe: "Đây là công trình được làm nên bằng sức mạnh đoàn kết".
Theo ông Mạnh, tổng chi phí xây dựng con đường lên tới 1,2 tỷ đồng, nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách được cấp (700 triệu đồng) và nguồn đóng góp của giáo dân địa phương sẽ không đủ.
Với tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng chính quyền, cùng bà con giáo dân và bằng uy tín của mình, linh mục Trần Văn Thiết - xứ Hải Điền đã không quản ngại, kêu gọi quyên góp thêm từ nhiều nguồn được 500 triệu đồng, nhờ vậy công trình đã được hoàn thành từ mấy năm trước.