Ý thức tăng dần
An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ, đồng bào dân tộc thiểu số khá nhiều, gồm người Khmer, Chăm và Hoa. Trong đó, người Khmer chiếm đa số, chủ yếu tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là 1 trong những xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông đúc của tỉnh với số dân người Khmer chiếm hơn 97,4%. Nhiều năm trước, do tình hình kinh tế xã hội nơi đây chưa được phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nhiều vì thế đời sống của người dân Khmer lúc này còn thấp.
Đa số người dân chấp hành tốt luật lệ giao thông.
Cũng từ đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa được nâng cao, đặc biệt là về vấn đề chấp hành luật lệ an toàn giao thông.
Ông Chau Sem (người dân tộc Khmer, 49 tuổi, ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) cho biết: “Nhiều năm về trước nơi đây không được phát triển như bây giờ, đường sá chưa được rải nhựa.
Thời điểm đó, một số người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên vẫn chưa có ý thức về giao thông. Tôi thường chứng kiến nhiều thanh niên chạy xe lạng lách, đánh võng và thậm chí là chạy đua với nhau rất nguy hiểm, công an tuần tra chặn bắt là việc thường xuyên”.
Nhưng những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông của xã ngày càng được chuyển biến tốt do ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân được nâng cao. Người dân tham gia giao thông trên địa bàn xã đa số khi điều khiển xe đều chấp hành tốt luật lệ giao thông.
Chị Kim Thị Mỹ Hoa (34 tuổi, ngụ xã Ô Lâm) cho biết: “Mấy chú công an thường xuyên đi nhắc nhở những người vi phạm nên vài năm gần đây tôi cũng nhận thấy ý thức chấp hành của bà con ở đây tốt hơn rất nhiều.
Giờ tôi chạy xe ra đường cũng cảm thấy an tâm. Thêm nữa, chắc có lẽ là do dịch bệnh phức tạp nên cũng ít ai ra đường, từ đó tai nạn giao thông cũng ít xảy ra”.
Dùng loa kẹo kéo để tuyên truyền
Có được kết quả này, phần lớn nhờ vào công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương thực hiện tốt. Thiếu tá Chau Sane, Phó trưởng Công an xã Ô Lâm cho biết, công an xã đã xây dựng kế hoạch và tham mưu Đảng ủy, UBND xã để thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tốt công tác tuyên truyền.
Hàng năm Công an xã Ô Lâm đã tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến người dân” tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng, để lắng nghe và trao đổi với người dân từng ấp về tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.
Đồng thời, xã cũng thường xuyên thực hiện tuyên truyền qua loa phát thanh, loa kẹo kéo. “Toàn xã có 4 loa phát thanh, được bố trí trải đều trên địa bàn xã và chúng tôi thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền qua loa.
Thêm vào đó, anh em công an sẽ thay phiên chạy xe máy và mang theo loa kẹo kéo chạy quanh xã để phát tuyên truyền, việc dùng loa kẹo kéo cũng mang lại hiệu quả cao vì nó lưu động do đó, có thể di chuyển đến nhiều khu vực hẻo lánh”, thiếu tá Chau Sane cho hay.
Xã Ô Lâm là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất toàn huyện Tri Tôn.
Bên cạnh đó, lực lượng công an đã kết hợp với đoàn thể xã, cùng các vị sư sãi tại các chùa trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức trong việc tham gia giao thông, đặc biệt là vào dịp cận Tết. Bằng uy tín của các vị sư sãi này, đồng bào dân tộc Khmer của xã cũng tin tưởng và thực hiện tốt hơn.
“Sau khi tuyên truyền, chúng tôi sẽ kết hợp với lực lượng xã đội đi tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn. Qua đó, nhận thấy đa số bà con chấp hành tốt và không có gì xảy ra phức tạp.
Từ đây đến Tết, lực lượng công an sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát phòng chống tội phạm, tuyên truyền và xử lý tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn”, Phó trưởng Công An xã Ô Lâm nói.
Theo báo cáo về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Công an xã Ô Lâm, năm 2020 đã phát hiện 34 trường hợp vi phạm, đến năm 2021 giảm chỉ còn 19 trường hợp. Từ năm 2019 đến nay, không xảy ra vụ tai nạn giao thông đáng tiếc nào trên địa bàn xã.