Mở rộng quốc lộ 60 giúp phát triển các tỉnh vùng phía Đông ĐBSCL

Lê Lối

Cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên được xây dựng, đến tuyến quốc lộ 60 được mở rộng đã mở ra những hướng phát triển mới cho Bến Tre, Trà Vinh.

Sau khi cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên được xây dựng, đến tuyến quốc lộ 60 được mở rộng đã mở ra những hướng phát triển mới cho các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL, trong đó có Bến Tre, Trà Vinh. Đời sống của người dân, đồng bào dân tộc Khmer vì vậy cũng đổi thay từng ngày.

Xây cầu mở quốc lộ, nông dân bớt khổ

Bà Nguyễn Thị Dễ (65 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Càng Long, Trà Vinh) phấn khởi cho biết, cầu Cổ Chiên và quốc lộ 60 đi ngang nhà là niềm ước mơ cả đời, nay đã thành hiện thực. Bà Dễ kể: "Tôi là dân gốc Bến Tre, trong thời kỳ chiến tranh đã sang xã Đại Phước tỉnh Trà Vinh sinh sống và ở đây trên 30 năm.

Quốc lộ 60 được nâng cấp, mở rộng tạo động lực phát triển các huyện vùng xa Bến Tre.

Sau giải phóng, cuộc sống còn khó khăn nhất là việc đi lại, giao thông không thuận tiện, đường bộ bị hạn chế, chủ yếu đi lại bằng đường thủy. Muốn đi về quê nội ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre) phải đi bằng ghe. Mỗi khi có việc về quê, cả nhà thuê ghe máy chạy lòng vòng theo kênh rạch ra sông lớn, về tới bên nội mất gần 3 tiếng đồng hồ, trong khi nếu đi đường thẳng chỉ 5km".

“Từ ngày cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng vào năm 2015, tuyến quốc lộ 60 cũng được mở rộng, chỉ cần xe máy là đi về trong 30 phút”, bà Dễ tâm sự.

Ông Trần Văn Hùng (75 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết, hơn 10 năm nhiều người ở đây đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dừa, trồng lác cho thu nhập cao hơn. Nhưng việc giao thương đi lại vẫn phải đi bằng ghe, thuyền, qua phà rất khó khăn và tăng chi phí.

Khi cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên được xây dựng đã đẩy những chiếc phà vào dĩ vãng. Quốc lộ 60 được mở rộng, cùng với các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh được đầu tư nhựa hoá, xe tải đến tận ấp để mua hàng nông sản.

“Hàng nông sản Bến Tre đi lên Sài Gòn dễ dàng, còn xuất khẩu đi các nước, giá cả tăng lên, người nông dân như tôi cũng bớt khổ”, ông Hùng nói và cho biết hiện giá cây lác thương lái mua tại ruộng từ 14.000 - 15.000 đồng/kg (trước đây chỉ 10.000đồng/kg). Dừa trái trước chỉ có giá từ 70.000 - 75.000 đồng/12 trái, nay lên 120.000 - 130.000 đồng một chục (12 trái).

Nhà máy xây dựng, giải quyết việc làm cho người dân

Theo ghi nhận PV Báo Giao thông, hiện dọc hai bên quốc lộ 60 phía Bến Tre và Trà Vinh hàng trăm quán ăn, quán nước giải khác, hiệu thuốc tây, cửa hàng bánh kẹo…được xây dựng. Nhiều căn nhà được xây mới khang trang, to đẹp không thua gì ở thành thị. Những công trình nhà xưởng, kho bãi mọc lên tạo công ăn việc làm cho con em quê hương.

Quốc lộ được mở rộng cũng khiến giá nhà, đất tại các vùng nông thôn tăng theo. Giá đất ở cập hai bên QL60 khu vực gần cầu Cổ Chiên, phía Bến Tre và Trà Vinh 5 năm trước chỉ tầm 40 triệu đồng/1.000m2 thì nay đã tăng lên 500 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, sau khi cầu Cổ Chiên hoàn thành kết nối với Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL người dân Bến Tre, bà con dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đi lại thuận lợi hơn. Khi người dân muốn đi TP.HCM thì QL60 là tuyến đường được rút ngắn khoảng cách rất lớn so với quốc lộ 1 trước đây. Thấy rõ nhất là dịp lễ, Tết hàng ngàn người từ TP.HCM về rất đông làm cho quốc lộ 60 có khi quá tải.

Những ngày lễ, Tết người dân, đồng bào dân tộc Khmer từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông đổ về miền Tây trên cầu Rạch Miễu, quốc lộ 60 rất đông.

Cũng theo ông Tam, đón đầu tuyến đường này, địa phương đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các dự án sản xuất trên địa bàn. Cụ thể, ở cụm công nghiệp Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc), Công ty May Việt Vương đã có nhà máy với khoảng 2.200 lao động đang làm việc, sắp tới sẽ nâng công suất lên và thu hút khoảng 5.000 lao động.

Cùng đó, doanh nghiệp Thanh Tân cũng quyết định đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa tại huyện Mỏ Cày Nam để giải quyết đầu ra cho trái dừa và công ăn việc làm cho người dân. Khi có tuyến QL60, thị trấn Mỏ Cày được phát triển để trở thành đô thị loại 4. Hiện, tỉnh đã quy hoạch vùng thương mại, dịch vụ, du lịch ở một số khu vực của các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cáy Bắc, Chợ Lách…

Anh Thạch Chang (32 tuổi, người dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh) cho biết trước đây ở quê thiếu công ăn việc làm nên phải lên Bình Dương để làm công nhân. “Nay nhiều nhà máy được xây dựng, tôi đang tính sau Tết sẽ về quê để làm việc. Thu nhập có thể thấp hơn nhưng gần nhà, cuộc sống thoải mái hơn”, anh Chang nói.

Lê Lối

Cùng chuyên mục