Kết nối giao thông, đánh thức tiềm năng kinh tế miền núi

Trần Duy

Nhiều tuyến cao tốc sẽ được đầu tư trong thời gian tới để tăng tính kết nối giữa các vùng kinh tế, nhất là tại các tỉnh miền núi.

Cao tốc rút ngắn thời gian, khoảng cách

Là tỉnh tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ của tỉnh này thời gian qua đã giúp, kết nối vùng nhanh hơn, gần hơn, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà ở TP Hòa Bình nhưng công tác tại một cơ quan ở Hà Nội, trước đây, anh Hoàng Văn Bình rất ngại mỗi lần về nhà vì việc di chuyển mất nhiều thời gian do đường hẹp, cong cua, trong khi kỳ nghỉ lại ngắn. Nhiều khi cả tháng anh mới về nhà.

Quy hoạch đường bộ ưu tiên tuyến cao tốc kết nối giao thông vùng, nhất là tại các khu vực, đặc biệt là các vùng còn nhiều khó khăn như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, việc này đã thay đổi, gần như tuần nào anh cũng về bởi như anh nói chỉ hơn 1 tiếng lái xe là đã có mặt tại Hòa Bình. Ngược lại, sáng thứ Hai chỉ cần 6h khởi hành từ Hòa Bình, xuống đến Hà Nội vẫn kịp giờ làm. Đi lại thuận tiện như vậy là nhờ dự án đường Hòa Lạc - TP.Hòa Bình được đầu tư xây dựng đã kéo gần khoảng cách và rút ngắn thời gian từ Hòa Bình về Thủ đô.

Không chỉ tạo thuận lợi về giao thông đi lại, tuyến đường Hòa Lạc - TP.Hòa Bình còn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được điều đó, chính quyền địa phương đã dồn tâm sức, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Tuyến đường Hòa Lạc - TP.Hòa Bình đi qua nhiều địa bàn, nhiều hộ bị ảnh hưởng, phải đền bù, tái định cư. Trong quá trình GPMB phục vụ dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là giá đất, định giá tài sản phát sinh, nhưng đã được tỉnh và thành phố vào cuộc chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ”, một nguyên lãnh đạo TP.Hòa Bình kể.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến năm 2018, Bộ GTVT đã chính thức phát lệnh thông xe tuyến đường Hòa Lạc - TP.Hòa Bình, mở ra cánh cửa phía Tây của Thủ đô Hà Nội lên Hòa Bình, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Đúng như kỳ vọng, với việc tiếp giáp khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, quy hoạch cụm công nghiệp Yên Quang, Hòa Bình trở thành 5 tỉnh vành đai của Hà Nội, tạo cơ hội bứt phá về kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, kể từ khi chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt đến nay, nhiều hạn chế, yếu kém của hạ tầng đường bộ đã được giải quyết.

Trong 10 năm qua, nhiều dự án quan trọng đã được đầu tư và đưa vào khai thác như: mở rộng QL1; đưa vào khai thác 1.163km cao tốc đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội. Đường bộ cao tốc mở ra, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Giai đoạn từ năm 2011, Bộ GTVT ưu tiên xây dựng hệ thống quốc lộ qua các khu vực khó khăn như vùng Tây Bắc; vùng Bắc Trung bộ (QL15); vùng Tây Nguyên và vùng Nam bộ. Xây dựng các công trình quốc lộ, đường cao tốc có tính gắn kết với giao thông nông thôn, trong đó có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và một số tuyến khác.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, việc thực hiện quy hoạch, mạng lưới đường bộ phân bố chưa đồng đều, mật độ đường bộ cao tốc còn chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Một số tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ đầu tư chưa đáp ứng tiêu chuẩn; một số đoạn tuyến quốc lộ không đáp ứng tiêu chí. Kết cấu hạ tầng đầu tư chậm so với quy hoạch, đặc biệt là các tuyến cao tốc động lực.

Cao tốc là động lực phát triển

Với phương châm giao thông đi trước mở đường, trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT xác định xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc kết nối giao thông vùng, tạo động lực cho phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, điểm nổi bật nhất của quy hoạch mới lần này là tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

"Việc hoàn thành các tuyến cao tốc đảm bảo kết nối hiệu quả liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, các đô thị", ông Cường cho hay.

Tổng cục Đường bộ VN đã trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch từng tuyến đường bộ cao tốc gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Tuyên Quang - Đà Nẵng dài 446 km, đoạn Ngọc Hồi - Chơn Thành - Rạch Giá dài 759 km.

Quy hoạch từng tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc có 14 tuyến, tổng số khoảng 2.305 km. Đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 10 tuyến, dài khoảng 1.431 km. Đường bộ cao tốc khu vực phía Nam có 10 tuyến, dài khoảng 1.290 km.

Để hoàn thành được mục tiêu này, Tổng cục cũng trình Bộ GTVT nhiều cơ chế chính sách thu hút nguồn lực như: thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư PPP và khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ. Huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, có tính cân đối giữa các vùng miền.

"Tổng cục cũng rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý, đề xuất thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực và rút ngắn tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc. Đồng thời, xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, qua đó tạo thêm nguồn lực cho ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc khác", ông Cường cho hay.

Tổng cục Đường bộ VN cũng xây dựng danh mục, nguồn lực đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đối với cao tốc, quốc lộ giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 theo quy hoạch.

Trong đó, ưu tiên các dự án quan trọng quốc gia như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Tuyên Quang đến Rạch Giá; các tuyến cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.

Trần Duy

Cùng chuyên mục