Hớn hở dỡ rào, giao đất mong đổi đời nhờ đường mới

Quang Minh

Khi nghe có kế hoạch làm tuyến đường mới, bà con dân tộc xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã hồ hởi đốn cây, dỡ rào… bàn giao mặt bằng.

Đại Dực là xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tiên Yên có tổng diện tích tự nhiên là 4.631,63 ha; trên địa bàn có 634 hộ/2824 nhân khẩu, trong đó 99,8% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái sinh sống tại 10 thôn khá cheo leo trên sườn đồi hay những thung lũng nhỏ theo kiểu tự cung, tự cấp là chủ yếu…

Xã Đại Dực có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như thác Nặm Văm, thác Cô Bảy, thác Khe Lục Mỷ, đồi Tình, đỉnh Thông Châu... Nhưng nhiều năm qua, những cảnh đẹp, điểm đến lý tưởng ấy như "nàng công chúa ngủ trong rừng", chưa thể "đánh thức" do đường giao thông tới Đại Dực rất khó khăn, cách trở.

Cảnh sắc Đại Dực hôm nay là địa điểm lý tưởng cho nhưng du khách ưa trải nghiệm

Hơn 100 phút trên đoạn đường 17 km

Từ QL18C, PV Báo Giao thông đi trên đường Đại Phong 17km để tới trung tâm xã Đại Dực. Thoạt nhìn biển báo ở đầu lối rẽ, cứ ngỡ tuyến đường rộng thênh thang, thẳng tắp. Nào ngờ mới đi được vài trăm mét, đã thấy con đường uốn lượn vòng vèo qua các triền núi, sườn đồi.

Nhiều đoạn dốc lên thẳng đứng rồi đột ngột đổ đèo sâu hun hút. Trời nắng, nhưng lên cao, sương mù phủ kín kính xe khiến việc quan sát của tài xế rất khó khăn.

Tuyến đường mù mịt bụi mỗi khi có xe chạy qua

Sau mấy trận mưa lớn tuần trước, đất, đá từ bên taluy dương đổ xuống, dù đã được dọn nhưng vẫn còn lởm chởm đá hộc treo trên vách núi, rất nguy hiểm.

Dọc tuyến đường còn có nhiều ngầm tràn, lúc mưa lớn, nước ở trên thượng nguồn ào xuống cuốn theo đất, đá... ngáng ngổn ngang miệng cống.

Cống ở ngầm tràn trên tuyến đường nhỏ hẹp, lại bị đất, đá lấp kín, khiến mưa to, nước ngập làm chia cắt cục bộ

Anh Trần Văn Cường nhà ở bản Khe Lục, xã Đại Dực chật vật tăng ga chiếc xe máy cũ leo dốc, khói đen bốc mù mịt ở ống xả xe, chiếc xe ì ạch cõng chủ vượt con dốc dựng đứng dài hàng trăm mét.

Anh Cường cho hay: "Nhà tôi có họ hàng bên này núi bị ốm nặng. Mấy hôm trước trời mưa to quá, nước ngập các ngầm tràn, nên tôi không đi được. Nay nước rút mới dám đi. Bà con ở khu vực này không may trở bệnh nặng cũng phải nhờ thầy lang lấy thuốc cầm cự chờ nước rút mới đưa được xuống huyện chữa trị".

Nhiều điểm sạt lở, đá tảng treo leo trên vách núi, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại vào mùa mưa

2h sau hành trình vượt qua đèo cao, vực thẳm, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Đại Dực. Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực cho biết, nếu vào xã theo QL18A thì còn thuận, còn QL18C thì đường đèo cao, vực sâu và nhiều điểm nguy cơ sạt lở đất đá.

Ước mơ đường mới sắp thành hiện thực

Không chỉ người dân đi vào trung tâm xã Đại Dực khó khăn, mà ở nhiều thôn, người dân Đại Dực muốn lên trụ sở UBND xã phải đi xa gần 20 km. Nếu gặp ngày mưa, lũ lớn thì phải vòng xuống trung tâm huyện, qua xã Đông Hải rồi mới vòng lên xã, mất gần 40 km.

Lãnh đạo xã Đại Dực vận động bà con sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thi công dự án

Đi lại vất vả thế nên mong ước của cán bộ, nhân dân nơi đây là có tuyến đường mới rộng rãi ít đèo cao, dốc ngắn. Và mơ ước ấy đang dần thành hiện thực khi địa phương đang bắt đầu triển khai dự án tuyến đường mới về xã Đại Dực. Đây là tuyến đường cấp V miền núi, dài 7,9km, rộng 5,5m với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.

"Từ khi có kế hoạch triển khai đường mới, người dân trong xã ai cũng mừng. Hầu hết bà con thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng đều sẵn sàng chặt hạ cây, dỡ nhà, dịch tường rào để nhanh chóng thi công dự án", ông Thế Anh cho hay.

Tuyến đường đất đi tắt từ trung tâm xã Đại Dực sang xã Đại Thành cũ tuy ngắn hơn nhưng đầy dốc cao, vực thẳm lại lổn nhổn "ổ gà", "ổ voi"

Thôn Khe Lục nằm ở cạnh trụ sở xã Đại Dực và là điểm đầu của tuyến đường Khe Lục – Khe Nà đang chuẩn bị thi công. Vừa vào tới đầu thôn, PV đã nghe thấy tiếng dao chặt cây rào rào, tiếng nói, tiếng cười rộn rã.

Hì hụi vác bó quế từ trên con đường đất cũ trơn trượt, dốc ngược, lổn nhổn đầy "ổ gà", "ổ voi", bà Lò Thị Chiu (70 tuổi, ở thôn Khe Lục) kể: "Nhiều người đi lại tuyến đường này bị ngã gãy chân, tai, sứt đầu, mẻ trán. Tôi cũng bị ngã phải bó bột chân cách đây vài năm trong một lần đi thăm người ốm ở bên kia núi".

"Mấy tháng nay, thấy cán bộ đến bảo kiểm đếm hoa màu để làm đường mới, dù mấy đứa trong nhà cũng tỏ vẻ tiếc mấy ngàn mét đất trồng quế từ thời cha, ông để lại, nhưng khi nghe nói đường to, rộng, tôi liền quyết Nhà nước cho bao nhiêu cũng được, chặt cây, bàn giao mặt bằng ngay...”, bà Chiu hớn hở.

Anh Sằn A Cặm chặt hạ cây trong vườn, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường

Anh Sằn A Cặm (ở thôn Khe Lục) cũng đang hăm hở dùng dao chặt mấy cây gỗ keo ở góc vườn đang lên mơn mởn, cho hay: "Cả tuyến này, nhà tôi là bị mất nhiều đất, nhiều cây nhất. Nhưng tôi thấy lợi ích của việc đường được mở, bà con trong thôn, trong xã đi lại dễ dàng thì chẳng so đo, hơn thiệt gì mấy cây keo, vài mét đất cả..."

Dẫn PV đến điểm dân cư đang triển khai công tác kiểm đếm, đền bù, GPMB, anh cán bộ xã Đại Dực kể: Dự kiến tuyến đường đi qua sẽ chiếm dụng vào đất đai của 85 hộ, nhưng ai ai cũng trong tâm thế sẵn sàng giao đất cho đơn vị thi công...

"Đồng bào nơi đây mừng vui là phải, vì khi có đường mới, con cái họ đi lại học hành thuận tiện, hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn thì có cơ hội vươn lên để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn", ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực phấn khởi.

Quang Minh

Cùng chuyên mục