Gia Lai: Thay đổi nếp nghĩ cách làm, đời sống đồng bào thay đổi

Tạ Vĩnh Yên

Bắt tay chỉ việc, hỗ trợ sinh kế và vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã góp phần giúp thoát nghèo.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã xây dựng và nhân rộng hơn 400 mô hình giúp người dân phát triển kinh tế.

Huy động nhiều nguồn lực để giảm nghèo

Năm 2017, gia đình ông Huôh (làng Út 1, xã Ia Hrung, Ia Grai) được hỗ trợ 1 con bò giống và vay 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ nguồn vốn này, ông mua thêm 2 con bò giống và đầu tư phân bón cho vườn cà phê.

Cùng với đó, ông Huôh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt do UBND xã Ia Hrung phối hợp tổ chức. Nhờ chăm chỉ lao động và được cán bộ xã “cầm tay chỉ việc” nên gia đình ông đã thoát nghèo. Hiện nay, gia đình ông sở hữu 800 cây cà phê và 6 con bò. Ngoài ra, ông còn mua thêm xe công nông để phục vụ sản xuất.

Ông Huôh cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi và được tặng bò mà gia đình mình đã thoát nghèo. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”.

Thay đổi giống, cơ cấu cây trồng giúp dân thoát nghèo.

Để đạt được kết quả trong công tác giảm nghèo, huyện Ia Grai đã lồng ghép thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2020, thực hiện Chương trình 135, huyện đã triển khai 3 dự án mua bò giống sinh sản, máy phát cỏ, phân bón hỗ trợ người dân tại 9 xã, thị trấn với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135, huyện triển khai mua bò giống, máy phát cỏ, giống cây trồng, giống heo rừng lai cho người dân 12 xã với tổng kinh phí hơn 430 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội duy trì hiệu quả các mô hình hỗ trợ người nghèo như: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện với Quỹ “Vì người nghèo”; Hội Nông dân huyện với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Cựu chiến binh huyện với mô hình “2 xóa-3 giúp-3 mô hình”… Huyện cũng đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa để giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ sinh kế đến nhà ở.

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có gần 600 lao động được đào tạo nghề sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất, điện dân dụng, các lớp chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Từ những chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,64% (năm 2016) xuống còn 3,23% (năm 2020). Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ia Grai lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,14% vào năm 2025, duy trì mức giảm 0,41%/năm.

Để thực hiện mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Văn Đông, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt các chính sách về vay vốn xây dựng nhà ở, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Krông Pa đã khởi sắc. Sự thay đổi rõ nét là cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng được đẩy mạnh. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 33,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,43%.

Mô hình kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Gia đình anh Ksor Hoen, làng Kte, xã Hbông (huyện Chư Sê) có 2 ha đất chủ yếu trồng cây mì. Vì thiếu vốn đầu tư và không có kinh nghiệm canh tác nên năng suất đạt thấp, thu nhập không ổn định. Năm 2018, anh Hoen mạnh dạn đăng ký thoát nghèo.

Sau đó, anh được chính quyền hỗ trợ 15 triệu đồng để chuyển đổi 1 ha đất trồng mì sang trồng mía. Trong quá trình chăm sóc, anh luôn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây mía phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

"1 ha mì chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/năm, còn cây mía thu đến 60 triệu đồng/năm. Lâu nay, bà con dân tộc thiểu số rất ngại thay đổi trong trồng trọt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn" anh Hoen nói đồng thời cho biết thêm: "Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình mình có động lực để thay đổi mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Sắp tới, mình sẽ chuyển đổi thêm 1 ha mì sang trồng mía. Có nguồn thu ổn định, mình lo cho con ăn học đầy đủ và đang xây nhà mới”.

Còn tại làng Tuêk, xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh) có 235 hộ với 1.018 khẩu, 100% là đồng bào Jrai. Trước đây, kinh tế của người dân chỉ phụ thuộc vào cây lúa, bắp, mì, đời sống của bà con gặp khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, với quyết tâm thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, bà con dân làng người đồng bào dân tộc thiểu số này đã thay đổi tư duy sản xuất để từng bước làm giàu.

Theo ông Cao Phi Văn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước đây, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Từ năm 2015-2020, Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới, đã hỗ trợ gần 17 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Toàn xã đã xây dựng được 9 công trình giao thông, thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng 4 công trình; 14 hộ nghèo được hỗ trợ mua bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; cấp 30 máy tuốt lúa, máy cắt cỏ và bình phun thuốc… đã góp phần giúp đỡ người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Riêng về chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển đàn bò, dê lên hàng chục con, cộng với chăn nuôi gia cầm, trồng rừng mỗi năm lãi 40-50 triệu đồng/hộ. Không những thoát nghèo, không ít hộ còn vươn lên làm giàu chính đáng".

Nuôi bò lai của một hộ dân tỉnh Gia Lai.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng hơn 400 mô hình giúp người dân phát triển kinh tế.

Theo đó, sau khi tiến hành khảo sát thực trạng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì được hơn 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống văn hóa-xã hội, với sự tham gia của trên 18.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh.

Huyện Kbang xây dựng được 137 mô hình và nhân rộng 37 mô hình hiệu quả cao, như: “Trồng chuối ghép mô”, “Nuôi dê sinh sản”, “Không có người tự tử”, “Điện thắp sáng”. Huyện Phú Thiện xây dựng được 54 mô hình và nhân rộng 41 mô hình, như: “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”, “Vườn rau an toàn”. Huyện Kông Chro xây dựng được 48 mô hình và nhân rộng 25 mô hình, như: “Nuôi dê sinh sản” , “Trồng lúa nước”…

Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số; một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Nhiều gia đình đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Theo tỉnh Gia Lai, chỉ tính trong thời điểm 5 năm (2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Gia Lai từ 19,71% (vào thời điểm đầu năm 2016) giảm còn 5,38% (vào cuối 2020). Bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,86%; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đầu năm 2016 là 40,18%, giảm còn 11,14% vào cuối năm 2020. Bình quân mỗi năm giảm 5,8%.

Tạ Vĩnh Yên

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục