Trao đổi với Báo Giao thông, T.S Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo (TNTG) là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
T.S Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
Tôn trọng tự do TNTG là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước
Bà có thể cho biết, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo (TNTG) đã được cụ thể bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở nước ta như thế nào?
Tôn trọng quyền tự do TNTG là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình đổi mới đất nước, điều này được đánh dấu bằng mốc năm 1990, chúng ta thực hiện đổi mới chính sách tôn giáo. Chính sách này là nền tảng cho mọi hoạt động từ quản lý đến sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam của chúng ta.
Những chính sách được thể hiện cụ thể bằng các văn bản pháp luật như: Năm 2003 chúng ta có Nghị quyết số 23 về Công tác tôn giáo; hầu hết những văn kiện Đại hội Đảng đều thể hiện tôn trọng quyền tự do TNTG; Hiến pháp qua các thời kỳ cũng đều ghi nhận, tôn trọng quyền tự do TNTG.
Trước năm 2013, pháp luật quy định quyền tự do TNTG là quyền của công dân, đến khi có Hiến pháp 2013 thì quy định đó là quyền của mọi người, tức đã mở rộng chủ thể quyền tự do TNTG.
Tất cả các tôn giáo của Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, điều này có giá trị trong đời sống tông giáo Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng tôn giáo. Hiện nay Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, số lượng tín đồ là 27% dân số.
Cùng với đó, những quy định về mở trường lớp, đào tạo chức sắc, nhà tu hành cũng được ban hành và thể chế hóa, số lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành không ngừng tăng lên.
Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở thêm 4 học viện Phật giáo, Công giáo có 10 Đại chủng viện là nơi đào tạo linh mục.
Thống kê của Ban Dân vận Trung ương, hiện cả nước có 56 cơ sở đào tạo chức sắc, nhà tu hành, hằng năm đã đào tạo hàng nghìn chức sắc, nhà tu hành cho các tôn giáo trong phạm vi cả nước.
Những chính sách đó đã đem lại những thành quả cụ thể như thế nào, thưa bà?
Một đất nước đa dạng với nhiều tôn giáo khác nhau nhưng chúng ta không hề có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo đều hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau.
Từ những chính sách đúng đắn, quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước thì các tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, đường hướng này đều đồng hành cùng dân tộc – đất nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Cũng chính nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các tôn giáo được cải thiện từ tinh thần đến vật chất, hòa cùng sự phát triển đi lên của xã hội.
Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc xây dựng và phát triển đất nước
Vậy nguồn lực của các tôn giáo đã đóng góp thế nào trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của xã hội cũng như trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vừa qua?
Chính tinh thần của tôn giáo đã thể hiện rất rõ vai trò của tôn giáo đối với xây dựng, phát triển văn hóa. Tôn giáo là một phần của văn hóa. Giá trị đạo đức của tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ngày càng ngày hội nhập quốc tế, tiến sâu hơn vào toàn cầu hóa.
Những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo rất gần và có nhiều điểm chung với văn hóa dân tộc. Khi tôn giáo phát huy được giá trị đó thì đã bồi bổ, làm phong phú thêm và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.
Bản thân tôn giáo chính là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Có thể với đại chúng, chúng ta chưa nghiên cứu nhiều nhưng khi đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thấy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số lại được chính các tôn giáo lưu giữ rất nhiều.
Thời gian qua, dưới sự vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ, cứu tế và bảo trợ xã hội; xây dựng các quỹ khuyến học; xây dựng và trao tặng nhà tình thương; khám, chữa bệnh; cứu trợ xã hội, bảo trợ xã hội.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự đóng góp của các tổ chức tôn giáo thật sự không còn ranh giới giữa dân tộc hay tôn giáo, giữa người có tôn giáo hay không. Tất cả đều tham gia hoạt động thiện nguyện, đóng góp nguồn lực vật chất, kể cả sự hy sinh tính mạng con người.
Các tu sĩ, những nhà tu hành rồi các tín đồ đều tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch cùng với các bộ, ban, ngành và thực tế nhiều người đã không trở về. Tất cả đều làm từ tâm và từ sự thôi thúc của chính giá trị tôn giáo, giá trị của dân tộc “lá lành đùm lá rách’’.
Hiện nay, có hiện tượng lợi dụng sự tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, nhà nước ta hoặc để trục lợi. Chúng ta cần làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo này?
Chúng ta rất tôn trọng quyền tự do TNTG, điều này thể hiện bằng những quy định của pháp luật, tạo điều kiện tốt cho tôn giáo hoạt động. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận những cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đó để làm những việc đi ngược với lợi ích của dân tộc.
Để phòng ngừa và đẩy lùi việc lợi dụng việc từ thiện, nhân đạo để trục lợi cá nhân thì chúng ta cần phải có những quy định pháp luật chặt chẽ trong việc kêu gọi, quản lý và sử dụng tài sản từ thiện.
Ngay bản thân tổ chức tôn giáo cũng phải có những đổi mới trong quản lý các chức sắc. Bởi chỉ cần một hình ảnh của vị chức sắc nào đó không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của tổ chức tôn giáo.